Úc: Bộ Quốc phòng chưa thực hiện tốt Chiến lược đổi mới văn hóa theo kế hoạch đề ra

(KTNN Úc – ANAO) - Ngày 20/5/2021 đã phát hành Báo cáo kiểm toán hoạt động về tính hiệu lực của công tác triển khai chiến lược đổi mới văn hóa của Bộ Quốc phòng của nước này, được biết đến với tên gọi “Con đường hướng tới thay đổi - phát triển văn hóa giai đoạn 2017-2022”.

Cuộc kiểm toán dựa trên các tiêu chí kiểm toán như: Liệu Bộ Quốc phòng Úc đã xây dựng chiến lược dựa trên các bằng chứng hay không? Có thực hiện lập kế hoạch một cách hiệu quả để hỗ trợ triển khai chiến lược hay không? Có ban hành chiến lược và kỳ vọng đối với việc thực hiện chiến lược hay không? Có xây dựng các cơ chế quản trị phù hợp với mục đích đề ra nhằm quản lý việc thực hiện chiến lược hay không? Có xây dựng các giải pháp giám sát và báo cáo về chiến lược hay không? Bộ có thể chứng minh đang đạt được các kết quả như kỳ vọng thông qua việc thực hiện chiến lược hay không? Đây là năm thứ hai Bộ thực hiện Chiến lược 5 năm lần thứ hai về cải cách văn hóa với trọng tâm được chuyển từ việc thực hiện kiến nghị và hành động sang “áp dụng sâu rộng hơn các quy chuẩn tích cực tại các nơi làm việc để hỗ trợ tất cả mọi người và giúp thu hút được những nhân viên tốt nhất làm việc cho Bộ trong tương lai”.
 
Thông qua cuộc kiểm toán, ANAO kết luận, Bộ Quốc phòng Úc không thể cung cấp sự đảm bảo đối với tính hiệu lực trong công tác triển khai Chiến lược cải cách văn hóa lần thứ hai của mình. Theo đó, việc xây dựng chiến lược của Bộ không hoàn toàn dựa trên cơ sở bằng chứng sẵn có, chỉ dựa vào ý kiến tham vấn của các nhân viên trong giai đoạn 2016-2017 mà bỏ qua cơ hội sử dụng các dữ liệu điều tra nhân viên hiện có hoặc xây dựng công cụ đo lường cơ bản về văn hóa để giúp đánh giá kết quả của chiến lược lần thứ hai này. Ngoài ra, Bộ cũng không thực hiện đánh giá một cách hệ thống chiến lược đầu tiên nhằm cung cấp thông tin cho việc triển khai chiến lược mới. Việc lập kế hoạch thực hiện chiến lược đã có hiệu quả một phần, trong đó Vụ Quốc phòng Nhân dân được xác định là đầu mối chính sách đưa ra các sáng kiến ​​cải cách văn hóa cấp Bộ và là đơn vị điều phối, giám sát, báo cáo việc thực hiện cải cách văn hóa ở cấp đơn vị. Các vụ và bộ phận trực thuộc Bộ sẽ thực hiện các sáng kiến ​​cấp Bộ phù hợp với bối cảnh của họ khi cần thiết. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Úc cũng đã xây dựng một kế hoạch truyền thông về việc thực hiện chiến lược này. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kế hoạch, Bộ đã không xây dựng khung đo lường để theo dõi những biến chuyển trong văn hóa do tác động từ việc thực hiện chiến lược hoặc không xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro. Một kế hoạch truyền thông đã được chuẩn bị để hỗ trợ việc thực hiện chiến lược thứ hai. ANAO cũng nhận thấy, phần lớn Bộ cũng đã đạt hiệu quả trong việc ban hành và thực hiện kế hoạch truyền thông, trao đổi thông tin, cung cấp một loạt các nguồn lực hỗ trợ cho nhân viên và lãnh đạo cấp cao của mình cho việc thực hiện chiến lược. Tuy nhiên, Bộ chỉ cung cấp thông tin hạn chế cho nhân viên về cách thức chiến lược liên quan đến nghĩa vụ pháp lý và đạo đức của họ hoặc mối liên kết với các chính sách, chương trình hoặc hoạt động khác trong Bộ. Bộ cũng đã không thiết lập các cơ chế giám sát và báo cáo hiệu quả và chưa thể chứng minh rằng các kết quả dự kiến ​​đang đạt được thông qua việc thực hiện chiến lược. Bộ chưa xây dựng được phương pháp tiếp cận một cách hệ thống để thu thập và đối chiếu dữ liệu về việc thực hiện Chiến lược của các đơn vị trực thuộc, điều này hạn chế sự đảm bảo về tiến độ và hiệu quả của các nỗ lực triển khai chiến lược. Bộ còn không đề ra các kết quả có thể đo lường được, hoặc các tiêu chí hoạt động cụ thể. Một báo cáo của Bộ cho thấy, phần lớn các hoạt động được phát triển dựa trên các nhu cầu khác của tổ chức, thay vì được định hướng chiến lược bởi chiến lược nói trên. Vào thời điểm kết thúc cuộc kiểm toán này, Bộ đang trong quá trình xây dựng biểu đồ các hoạt động có thể góp phần vào việc đạt được các kết quả dự kiến ​​và một khuôn khổ hoạt động cho chiến lược.

ANAO đã đưa ra 02 kiến nghị và đã nhận được sự thống nhất của Bộ. Thứ nhất, Bộ cần thiết lập cơ chế để đảm bảo người đứng đầu các đơn vị nghiêm túc triển khai chiến lược. Thứ hai, Bộ cần đưa ra các kết quả có thể đo lường được và các tiêu chí hoạt động chính xác, đáng tin cậy, hoàn thiện để làm cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của chiến lược./.
 
(Theo Bản tin đối ngoại số 102 ra tháng 6/2021 của KTNN)