Theo khảo sát Kiểm toán nội bộ (KTNB) năm 2022 của Protiviti, các lãnh đạo KTNB cho biết, nhân lực và kỹ năng của họ đang có khoảng cách rất lớn với công nghệ. Hơn nữa, phần lớn trong số này chưa có kế hoạch tổ chức các hoạt động thúc đẩy sáng kiến chuyển đổi công nghệ.
Protiviti được thành lập vào năm 2002, có trụ sở chính tại Menlo Park, Califonia, Hoa Kỳ. Đây là công ty tư vấn toàn cầu cung cấp kiến thức chuyên môn sâu về tài chính, công nghệ, dữ liệu, phân tích, quản trị, rủi ro và KTNB thông qua mạng lưới hơn 85 văn phòng tại 25 quốc gia.
Điều gì đang kìm hãm kiểm toán nội bộ?
Cuộc khảo sát cho thấy, chỉ 14% số người được hỏi xác định bộ phận KTNB của họ là “đầu tàu kỹ thuật số”, tức là gặt hái được lợi ích từ quản trị, phương pháp luận và công nghệ. Kết quả này không gây bất ngờ bởi nhiều nghiên cứu và báo cáo trong các năm gần đây cũng đã nhấn mạnh về sự chậm chạp của KTNB trong việc áp dụng công nghệ. Năm 2018, nghiên cứu của PwC cũng đưa ra kết quả: Chỉ 14% nhóm KTNB thực sự “tiên tiến” trong việc áp dụng công nghệ mới, tương tự như phát hiện của Protiviti.
Các lĩnh vực có mức độ tụt hậu công nghệ nhất là học máy (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI), quy trình khai thác, tự động hóa, phân tích nâng cao. Đây là 4 lĩnh vực mang lại nhiều thử thách với KTNB, nhất là AI và phân tích nâng cao, bởi ngay cả các tổ chức dẫn đầu về kỹ thuật số cũng chỉ đạt trung bình 6,4 điểm trên thang điểm 10 về mức độ trường công nghệ (nhóm tụt hậu là 3,8 điểm).
Điều gì đang cản trở việc áp dụng công nghệ trong KTNB? Các chuyên gia của Protiviti cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là không có ngân sách. Giống như nhiều chức năng khác, KTNB chưa bao giờ thực sự có đủ tiền, thời gian hoặc nguồn lực để hoàn thành công việc. Đó là chưa kể, công nghệ cần một khoản chi phí khởi đầu, thời gian thích nghi, đào tạo nhân viên... Tất cả những thứ đó đều tốn kém thời gian và tiền bạc.
Thiếu nhân lực tại chỗ là nguyên nhân tiếp theo khiến KTNB không thể vươn lên trên hành trình áp dụng công nghệ. Hầu hết các tổ chức khi đang tuyển dụng chỉ tập trung tìm kiếm những người giỏi về kế toán, kiểm toán, tài chính. Các tổ chức không có đủ tầm nhìn về công nghệ mới và cũng chưa thực sự tập trung vào các kỹ năng mềm như: Tư duy phản biện, thuyết trình, giao tiếp... Vấn đề này không chỉ nằm ở kiểm toán viên, ngay cả các nhà lãnh đạo KTNB cũng đang bận rộn với nhiều việc khác và không quan tâm hoặc không phù hợp để đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ. Việc không quan tâm, đổi mới sẽ tiếp tục làm xói mòn sự nhanh nhẹn, kịp thời và phản ứng nhanh của các nhà lãnh đạo KTNB, đồng thời sẽ không mang lại giá trị gia tăng cho tổ chức.
Bên cạnh đó, báo cáo của Protiviti cũng cho thấy, KTNB đang không nhận được sự hỗ trợ thích hợp từ lãnh đạo DN. Hơn nữa, chính bản thân các kiểm toán viên cũng không có đủ kiến thức về công nghệ nên khó có thể thuyết phục và đảm bảo khoản đầu tư được duyệt sẽ mang lại kết quả như mong muốn. Ngược lại, thay vì học tập và đổi mới, nhiều nhóm KTNB cho thấy sức ỳ và sự tự mãn với suy nghĩ “nếu chưa hỏng, không cần sửa”, điều này khiến thang điểm trưởng thành về công nghệ ngày càng tụt lại phía sau.
Thay đổi tư duy, xác định kế hoạch và lộ trình cụ thể
Một tín hiệu vui từ khảo sát của Protiviti là nhiều nhóm KTNB đang bắt đầu hành trình kỹ thuật số với phần lớn các sáng kiến chuyển đổi và đổi mới được tiến hành. “Thực hiện từ những bước nhỏ sẽ tạo ra sự khác biệt đáng chú ý, ngay cả khi tổ chức không phải là người dẫn đầu về kỹ thuật số” - các chuyên gia của Protiviti khuyến nghị.
Báo cáo của Protiviti nhấn mạnh rằng, các nhóm KTNB cần thay đổi tư duy và hành động ngay để sử dụng tốt hơn các công nghệ tiên tiến. Cụ thể như: Thay đổi hệ thống quản trị, phương pháp luận của nhóm KTNB để giải quyết các rủi ro kinh doanh mới nổi và nâng cao kỳ vọng của các bên liên quan; tăng hiệu lực và hiệu quả của KTNB trong khi vẫn hoàn thành sứ mệnh cốt lõi là bảo vệ giá trị của tổ chức; đánh giá và thiết kế lại hoạt động của KTNB theo hướng thay đổi phương pháp, tận dụng công nghệ mới nhất và có định hướng chuyển đổi.
Các lãnh đạo KTNB cần xác định một lộ trình và bắt đầu với các dự án nhỏ để có thể đạt được thành công trong việc áp dụng công nghệ, đồng thời thiết lập văn hóa và tư duy đổi mới để nó trở thành một phần tất yếu trong hành động của mỗi kiểm toán viên.
Các chuyên gia của Protiviti khuyến nghị, mỗi tổ chức cần xây dựng kế hoạch chiến lược áp dụng các công nghệ và đổi mới chức năng KTNB. Bất kể quy mô của bộ phận KTNB là bao nhiêu, mỗi tổ chức cần tạo ra một quy trình riêng để xem xét tính khả thi và tiềm năng của tất cả công nghệ mới nổi. Không có quy định nào bắt buộc KTNB phải bước chân vào thực tế ảo, điều khiển máy bay không người lái hay tổ chức các cuộc họp trong Metaverse (vũ trụ ảo) nhưng các kiểm toán viên không thể bỏ qua AI, ML, blockchain và phân tích nâng cao...
Việc tập trung đánh giá công nghệ và quy trình áp dụng cũng giúp KTNB tận dụng công nghệ hiệu quả hơn và giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí. Nhiệm vụ quan trọng của các nhà lãnh đạo KTNB là phải tìm hoặc tạo ngân sách, sắp xếp thời gian, tuyển dụng đúng người, trở thành người đi đầu, thu hút sự hỗ trợ cần thiết và có được kiến thức cơ bản về công nghệ. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo KTNB phải tiên phong trong việc chống lại sức ỳ, dập tắt sự tự mãn để hình thành nên văn hóa đổi mới, sáng tạo, tự học, tự làm trong nhóm KTNB./.
(Theo dailygazette)
(Báo Kiểm toán số 18/2022)