Vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ pháp luật về đầu tư xây dựng

hực tiễn hoạt động kiểm toán đã đặt ra yêu cầu xây dựng hướng dẫn xác định trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng (ĐTXD) dựa trên 4 nguyên tắc và đảm bảo thực hiện trong suốt quá trình kiểm toán.

Hiện nay, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam đã ban hành 3 hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính. Tuy nhiên, các hướng dẫn vận dụng trọng yếu đối với kiểm toán tuân thủ vẫn còn thiếu. Vì vậy, việc xây dựng hướng dẫn vận dụng trọng yếu cho từng loại hình, lĩnh vực kiểm toán và kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về ĐTXD là rất cần thiết, không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống các hướng dẫn kiểm toán mà còn là công cụ hữu ích cho kiểm toán viên (KTV) trong kiểm toán dự án ĐTXD.
 
Nguyên tắc và cơ sở thiết lập mức trọng yếu

Theo ThS. Phạm Trung Hiếu và KS. Nguyễn Thành Trung (KTNN khu vực IV), việc xây dựng hướng dẫn xác định trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về ĐTXD phải đáp ứng tối thiểu 4 nguyên tắc: Nguyên tắc 1 - định nghĩa rõ ràng và đầy đủ “vấn đề trọng yếu” trong từng lĩnh vực, loại hình kiểm toán. Nguyên tắc 2 - chính sách xây dựng trọng yếu phải bao gồm: Đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán, nguồn thông tin, cơ sở pháp lý, dấu hiệu nhận biết một vấn đề là trọng yếu trên cơ sở định tính, tiêu chí và công thức xác định mức trọng yếu về mặt định lượng, phương pháp phân tích, đánh giá.

Nguyên tắc 3 - chính sách xác định trọng yếu phải phù hợp với mô hình xác định trọng yếu kế thừa từ Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo quyết toán dự án đầu tư (DAĐT) và kiểm toán tài chính DN đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Nguyên tắc 4 - Chính sách xác định trọng yếu áp dụng trong kiểm toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương phải bổ sung các nội dung chưa được hướng dẫn trong kiểm toán báo cáo quyết toán DAĐT.

Trên cơ sở đó, việc thiết lập mức trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ đối với DAĐT chủ yếu dựa vào các khía cạnh: Một là, nguồn xác định mức trọng yếu là các quy định liên quan đến việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn, các Luật: NSNN, Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu; Quy trình kiểm toán; các văn bản về xử lý vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, tố tụng hình sự... Đây là các tài liệu giúp KTV tham chiếu để phân loại các hành vi sai phạm và như mức độ sai sót, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của các hành vi không tuân thủ pháp luật có trọng yếu hay không.

Hai là, người sử dụng thông tin chủ yếu đối với DAĐT được xác định từ đơn vị được kiểm toán và các bên liên quan. Tùy theo quy mô, tính chất và nguồn vốn đầu tư cho dự án, KTV đánh giá mức độ quan tâm của từng nhóm đối tượng sử dụng thông tin làm cơ sở xác định mức độ đảm bảo cần cung cấp. Trong khu vực công, đối tượng sử dụng thông tin liên quan đến DAĐT là Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND các cấp, công chúng. Các đối tượng sử dụng thông tin này đều liên quan đến việc đầu tư dự án nhưng mục đích sử dụng thông tin cho việc ra các quyết định khác nhau.

Ba là, KTV cần sử dụng xét đoán chuyên môn, kết hợp với tính thận trọng và thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong việc xác định trọng yếu. Mức trọng yếu được xác định trên hai khía cạnh là định tính và định lượng và chúng tùy thuộc vào kỳ vọng của người sử dụng thông tin. Từ việc xác định kỳ vọng của người sử dụng và mức độ quan tâm của họ đến thông tin của DAĐT xây dựng được kiểm toán, KTV phải thiết lập mức trọng yếu phù hợp tùy thuộc vào phương pháp tiếp cận và mục tiêu kiểm toán dự án.

Vận dụng trọng yếu trong suốt quá trình kiểm toán

Theo nghiên cứu của ThS. Phạm Trung Hiếu và KS. Nguyễn Thành Trung, trọng yếu cần được xác định trong suốt quá trình kiểm toán, từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện đến lập báo cáo kiểm toán.

Cụ thể, trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, xác định trọng yếu giúp KTV đánh giá được rủi ro có sai sót trọng yếu và xác định nội dung, lịch trình, phạm vi các thủ tục kiểm toán cần thực hiện. KTV cần lưu ý những rủi ro tiềm tàng thuộc lĩnh vực xây dựng xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần với các dự án khác nhau. Việc nhận biết những rủi ro này hỗ trợ KTV đưa ra những đánh giá ban đầu đối với việc quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư. Cùng với đó, KTV cũng phải hiểu được môi trường bên ngoài ảnh hưởng tới dự án; tìm hiểu quy trình thực hiện, quản lý DAĐT, tình hình và kết quả triển khai thực hiện dự án... Từ những thông tin thu thập được, KTV sử dụng xét đoán chuyên môn để đo lường mong đợi của người sử dụng báo cáo kiểm toán DAĐT.

Đối với giai đoạn thực hiện kiểm toán, mục tiêu vận dụng trọng yếu nhằm xác định nội dung kiểm toán trọng yếu chi tiết và phạm vi cần kiểm tra chi tiết; xác định cỡ mẫu để kiểm tra hoặc đối chiếu; xác định việc mở rộng hay thu hẹp các thủ tục kiểm toán khi xảy ra các khác biệt kiểm toán và làm cơ sở đánh giá khác biệt kiểm toán. Trên cơ sở các nội dung kiểm toán trọng yếu chi tiết, KTV tiến hành chọn mẫu để so sánh, đối chiếu với các tiêu chí kiểm toán. Mức độ khác biệt sẽ được xem xét mức trọng yếu trong mối quan hệ nhân quả với các tiêu chí như mục tiêu, tiến độ, chất lượng. Trường hợp sau khi phân tích, đánh giá và nhận thấy mức độ sai lệch này là trọng yếu, KTV cần tiếp tục trao đổi với đơn vị được kiểm toán, thu thập thêm bằng chứng để đánh giá khả năng ngăn ngừa, phát hiện (các vi phạm tương tự trong tương lai) hoặc khắc phục được vi phạm đã xảy ra.

Ở giai đoạn hoàn thành và lập báo cáo kiểm toán, vận dụng trọng yếu nhằm đánh giá ảnh hưởng của các sai lệch phát hiện qua kiểm toán và các sai lệch có thể tồn tại nhưng chưa được phát hiện (trên cả hai phương diện định tính và định lượng) để đưa ra các kết luận và kiến nghị phù hợp. Về phương diện định lượng, khi kết thúc kiểm toán, nếu tiêu chí được lựa chọn để xác định mức trọng yếu biến động quá lớn thì KTV phải xác định lại mức trọng yếu, giải thích lý do và cân nhắc việc bổ sung thêm các thủ tục kiểm toán để thu thập thêm bằng chứng.

Về phương diện định tính, KTV cần xem xét bản chất và bối cảnh phát sinh các sai lệch, kể cả trường hợp các sai lệch được phát hiện thấp hơn mức trọng yếu. Các sai lệch không lớn nhưng bản chất là do hành vi không tuân thủ pháp luật ảnh hưởng đến các sự kiện trong tương lai, tiềm ẩn rủi ro cho KTV vẫn được coi là trọng yếu và cần được tập hợp lại./.

Thùy Lê
(Báo Kiểm toán số 25/2022)