Sự phát triển của công nghệ hiện đại đã và đang tác động tới ngành kiểm toán. Trong bối cảnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán không chỉ giới hạn ở các môn học chuyên ngành mà cần có sự kết hợp với các môn học khác để đảm bảo kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT), cách thức thu thập dữ liệu, khả năng hiểu biết, ứng dụng các công nghệ hiện đại sau:
Tích hợp nội dung phân tích dữ liệu lớn
Ngày nay, các phương pháp tiếp cận truyền thống khó có thể theo kịp tốc độ phát triển của dữ liệu. Việc phân tích dữ liệu cho phép kiểm toán viên (KTV) phân tích, tập hợp dữ liệu hoàn chỉnh, trực quan hóa kết quả bằng đồ thị và tìm kiếm sự bất thường một cách dễ dàng hơn. KTV có thể sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu trong các thủ tục kiểm soát để phân tích rủi ro và các thủ tục phân tích nhằm đưa ra xét đoán và cung cấp thông tin chi tiết.
Như vậy, các môn học chuyên ngành kiểm toán cần tăng cường khả năng tư duy, phân tích để người học có thể kiểm soát lượng lớn dữ liệu so với cách chọn mẫu truyền thống. Các môn về tin học và CNTT cần cung cấp kiến thức về dữ liệu lớn, cách thu thập dữ liệu. Các môn kiểm toán cần tích hợp nội dung liên quan đến việc đánh giá độ tin cậy của thông tin, công cụ phân tích dữ liệu lớn, kỹ thuật đánh giá rủi ro và kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn phục vụ việc hình thành ý kiến kiểm toán.
Tạo cơ hội để sinh viên sớm tiếp cận AI
Nhiều công ty kiểm toán đã đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa nhiều tác vụ trước đây được thực hiện thủ công. AI giúp hiểu toàn bộ sổ cái và xác định các điểm bất thường dựa trên rủi ro. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn cờ các khoản thanh toán hoặc hoạt động bất thường mà các phương pháp kiểm tra truyền thống không thực hiện được.
Các hệ thống dựa trên AI có thể liên tục học hỏi và thích ứng với dữ liệu, đồng thời giảm bớt khối lượng công việc cho cả công ty kiểm toán và khách hàng. AI không thay thế con người nhưng nó sẽ tự động hóa các tác vụ dữ liệu lớn và phức tạp cũng như hỗ trợ việc ra quyết định. Do vậy, chương trình đào tạo ngành kiểm toán cần có nội dung về AI hoặc kết hợp các chương trình ngoại khóa, tham quan DN hay ký hợp tác với các công ty kiểm toán lớn để sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với công nghệ này.
Bổ sung nội dung về quy trình tự động
Tự động hóa quy trình robot (RPA) giúp nhận dạng quy trình, chuẩn hóa dữ liệu kiểm toán, thực hiện các bài kiểm tra đánh giá. RPA thường được các công ty kiểm toán sử dụng để thu thập bằng chứng kiểm toán khi dữ liệu nằm trong các hệ thống, tổ chức khác nhau. Các nội dung đối chiếu, xác nhận, tạo email… có thể được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách sử dụng RPA. Việc tự động hóa bằng robot có thể giúp KTV phát hiện các vấn đề có tính quy trình và cách thức xác định rất cụ thể. Tuy nhiên, đối với những nội dung cần xét đoán, hiệu quả của công nghệ này mang lại không cao. Do đó, KTV cần được trang bị kiến thức để nhận diện quy trình nào có thể dựa vào RPA và khu vực nào cần phải tự đánh giá.
Như vậy, trong tương lai không xa, một số thủ tục kiểm toán thủ công sẽ được thay thế bằng quy trình tự động hóa. Vì vậy, chương trình đào tạo cần bổ sung các nội dung liên quan đến các quy trình tự động để người học sớm tiếp cận với kỹ thuật mới.
Cung cấp kiến thức về công nghệ sổ cái phân tán
Công nghệ sổ cái phân tán (DLT) gồm một nhóm công nghệ, trong đó có công nghệ blockchain. Việc sử dụng DLT trong quy trình kiểm toán giúp bảo toàn quyền riêng tư của khách hàng; lưu trữ cơ sở dữ liệu thông tin là bằng chứng gian lận. Công nghệ sổ cái phân tán có đặc điểm là “không thể thay đổi các nghiệp vụ đã ghi nhận”, điều này làm giảm rủi ro kiểm toán.
Môn học kiểm toán căn bản, kiểm toán báo cáo tài chính, đặc biệt là môn học thực hành kiểm toán báo cáo tài chính cần cung cấp kiến thức liên quan đến DLT để sinh viên hiểu rõ bản chất đồng thời cần tích hợp nội dung về việc kiểm soát tính trung thực của thông tin trước khi được ghi nhận vào sổ cái. Chương trình cũng cần cung cấp kiến thức để người học có khả năng đánh giá, kiểm soát các nghiệp vụ, quy trình và thông tin ghi sổ.
Trang bị kiến thức về công nghệ đám mây
Công nghệ đám mây giúp KTV có nguồn dữ liệu duy nhất để tham khảo, tránh nhầm lẫn và loại bỏ sai sót. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ này đi kèm rủi ro an ninh mạng, do đó, KTV nên xem xét kỹ chiến lược giảm thiểu rủi ro của nhà cung cấp giải pháp công nghệ.
Sinh viên cần có kiến thức liên quan đến công nghệ đám mây thông qua các môn về tin học và CNTT. Các môn học kiểm toán cần tích hợp nội dung đánh giá việc kiểm soát của đơn vị được kiểm toán trong lưu trữ dữ liệu, cách thức bảo mật dữ liệu, đánh giá các nguy cơ về an ninh mạng; đồng thời cung cấp sự hiểu biết đầy đủ về cách thức dữ liệu, bằng chứng kiểm toán, giấy tờ làm việc được lưu trữ trên đám mây./.
Theo Báo Kiểm toán