Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 tăng mạnh tới 7,72% - cao nhất trong vòng một thập kỷ qua, tuy nhiên, CPI bình quân nửa đầu năm 2022 vẫn chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Nền kinh tế Việt Nam đang khác biệt rất nhiều so với thế giới khi tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể chỉ xung quanh mức 3% - thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng năm 2021 và nhiều dự báo hồi đầu năm đi đôi với lạm phát cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua xuất hiện ở nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới với cơn bão lạm phát tăng cấp do khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực thực phẩm và có thể cả khủng hoảng tài chính trong trung hạn.
Mặc dù theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,18% so với tháng 12/2021 hay tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2021 cùng với sự lạc quan của nhiều tổ chức và chuyên gia về khả năng kiềm chế lạm phát cả năm 2022 dưới 4%, song thực chất Việt Nam đang ở bên rìa cơn bão lạm phát và rất cần thận trọng kiểm soát lạm phát để không bị cuốn vào tâm bão.
Nếu cả năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,12% so với năm 2020 thì đến quý II/2022, chỉ số này đã tăng 1,84% so với quý trước và tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước; trong khi chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tương ứng lần lượt là 2,91% và 2,1% thậm chí tới 5,11%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp đã tăng 4,75% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, chỉ số giá sản xuất dịch vụ năm 2021 chỉ tăng 0,95% so với năm 2020 nhưng quý II/2022 đã tăng 1,25% so với quý I/2022 và tăng tới 3,57% so với cùng kỳ năm 2021. Cũng trong nửa đầu năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, chỉ số giá sản xuất không gây sức ép lên lạm phát năm 2021 song sức ép lên lạm phát năm 2022 ngày càng lớn và có biểu hiện ngày càng rõ rệt. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá sau khi đã tăng tới 5,49% năm 2021 (so với năm 2020) lại tiếp tục tăng mạnh trong quý II/2022 với mức tăng 2,62% so với quý trước và tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng vọt tới 11,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 11,09%, còn nhóm nhiên liệu tăng 44,61%. Yếu tố nhập khẩu lạm phát chính là áp lực lớn nhất đẩy nền kinh tế nước ta vào tâm bão lạm phát.
Nếu năm 2021, chính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% sau khi năm 2020 đã giảm 3%) là cứu cánh giảm áp lực lạm phát do cầu kéo, thì chính chỉ số này trong nửa đầu năm 2022 bật tăng trở lại với 11,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% - gấp 4 lần mức tăng 1,9% cùng kỳ năm 2021) lại trở thành yếu tố quan trọng đẩy lạm phát dâng cao. Thêm vào đó, tổng đầu tư cũng tăng mạnh trở lại (năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành tăng 3,2% so với năm 2020) ở cả 3 khu vực với vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành sau nửa đầu năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực nhà nước tăng 9,5% còn khu vực ngoài nhà nước tăng 9,9% và khu vực FDI tăng 8,9%.
Đáng chú ý là mặc dù kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái và đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng song hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn có kết quả rất ngoạn mục với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tăng tới 19% so với năm 2020 và qua 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tăng 2,86% so với năm trước và sau 6 tháng đầu năm 2022 thậm chí còn tăng tới 8,03% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, lạm phát do cầu kéo đang gia tăng áp lực lên nền kinh tế nước ta ngay trong những tháng cuối năm 2022.
Năm 2021, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,93% so với năm 2020 và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế lên đến 13,95%. Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm nhẹ và tổng tín dụng cho nền kinh tế vẫn duy trì tốt song lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 chỉ tăng vỏn vẹn có 0,81% so với năm 2020. Tuy nhiên, cho dù lạm phát cơ bản bình quân nửa đầu năm 2022 mới ở mức tăng 1,25% nhưng cũng đã gấp rưỡi so với bình quân cả năm 2021 do chính sách tiền tệ có dấu hiệu nới lỏng đáng kể. Tính đến ngày 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 - thấp hơn mức tăng 3,48% cùng kỳ năm 2021 - song huy động vốn của các tổ chức tín dụng lại tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%), còn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế lên tới 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%).
Bên cạnh đó, bất chấp USD lên giá mạnh so với nhiều đồng tiền trên thế giới, tính đến ngày 25/6/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế lên mức 103,62 điểm, tăng 0,5 điểm so với tháng trước song chỉ số giá USD bình quân năm 2021 vẫn giảm 0,97% so với năm trước và đến tháng 6/2022 tuy tăng 0,72% so với tháng 5/2022, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giảm nhẹ 0,2%. Nói cách khác, VND đã lên giá so với USD trong năm 2021 và cả nửa đầu năm 2022. Một khi tỷ giá hối đoái đảo chiều với sự mất giá của VND so với USD thì áp lực nhập khẩu lạm phát sẽ gia tăng và làm tăng tốc vòng xoáy lạm phát trong nước.
Lạm phát năm 2021 ở Việt Nam không phải là lạm phát chi phí đẩy mà các yếu tố tăng chi phí, kể cả nhập khẩu lạm phát đã được chuyển một phần sang nửa đầu năm 2022 và có thể chuyển nốt phần còn lại ngay trong nửa cuối năm 2022. Bên cạnh đó, lạm phát cả năm 2022 chịu tác động ngày càng mạnh của phục hồi tổng cầu, cả tiêu dùng, đầu tư cũng như xuất khẩu. Thêm vào đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4%. Theo đó, chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội rất cần phương thức hướng dòng tiền vào những lĩnh vực góp phần giảm áp lực lạm phát chi phí đẩy cũng như lạm phát do cầu kéo và cả khả năng lạm phát tiền tệ, chẳng hạn như thông qua giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất tín dụng cho vay, giảm thu ngân sách nhà nước từ xăng dầu...; đồng thời đảm bảo tính linh hoạt để tổng cầu tiêu dùng trong nước phục hồi và tăng tín dụng cho nền kinh tế không làm cho lạm phát do cầu kéo vượt tầm kiểm soát./.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
(Báo Kiểm toán ngày 07/7/2022)