(Tòa Thẩm kế châu Âu - ECA) - Ngày 01/7/2021 ra thông cáo báo chí về việc“Tài trợ của EU cho các khu vực xuyên biên giới cần được tập trung tốt hơn”.
Chương trình Hợp tác Lãnh thổ Châu Âu (Interreg) là một công cụ lâu đời của chính sách gắn kết EU nhằm khuyến khích tăng trưởng kinh tế ở các khu vực biên giới. Theo báo cáo từECA, các chương trình hợp tác được tài trợ thông qua Interreg có các chiến lược rõ ràng để giải quyết các thách thức xuyên biên giới hiện nay. Tuy nhiên, một số điểm yếu trong việc thực hiện các chương trình Interreg và trong quá trình giám sát đã hạn chế khả năng mở rộng năng lực của các vùng lân cận. Các khu vực biên giới thường hoạt động kinh tế kém hơn so với các khu vực khác trong các quốc gia thành viên. EU đã thực hiện các chương trình nhằm giảm chênh lệch về giàu nghèo và mức phát triển giữa các khu vực. Một trong những chương trình như vậy là Interreg, nhằm mục đích giúp các khu vực biên giới phát huy tiềm năng kinh tế trong khi thúc đẩy tình đoàn kết giữa các công dân của các quốc gia khác nhau. Tổng ngân sách giữa các khu vực cho giai đoạn 2014-2020 là 10,1 tỷ EUR. Hơn 6 tỷ EUR đã được sử dụng để tài trợ cho các dự án liên quan đến biên giới nội địa với khoảng 24.000 dự án được tài trợ thông qua 53 chương trình hợp tác, bao gồm 59% diện tích đất và 48% dân số của EU. Phần lớn các chương trình hợp tác được kiểm tra bởi các kiểm toán viên đã phân tích nhu cầu của các khu vực liên quan, họ đã tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa các mục tiêu đề xuất, đầu vào và hoạt động được lập kế hoạch, cũng như kết quả và tác động dự kiến của chúng. Tuy nhiên, các chương trình hợp tác không thể giải quyết tất cả các thách thức xuyên biên giới vì ngân sách hạn chế và các cơ quan quản lý chương trình đã không ưu tiên các chương trình đó để tập trung vào những thách thức cấp bách nhất đối với các vùng lân cận. Ngoài ra, một số thách thức như các vấn đề chăm sóc sức khỏe xuyên biên giới cần được giải quyết giữa các quốc gia thành viên ở cấp quốc gia. Một vấn đề khác được phát hiện trong cuộc kiểm toán là không có bất kỳ sự tách biệt rõ ràng nào giữa các chương trình đủ điều kiện để được cấp vốn Liên khu vực và những chương trình có thể được tài trợ bởi các chương trình chính sách gắn kết “chính thống” khác (ví dụ: Quỹ Phát triển khu vực châu Âu), dẫn đến tình trạng nhiều nguồn ngân sách có thể tài trợ cho cùng một loại hoạt động. Báo cáo cũng nhận thấy các dự án có tính chất xuyên biên giới còn nhiều nghi vấn, vì “sự hợp tác” theo quy định giữa các đối tác chỉ dừng ở việc trình bày một đề xuất dự án chung để xin kinh phí. Theo các Kiểm toán viên, nhu cầu nâng cao giá trị gia tăng các biện pháp can thiệp của EU là đặc biệt quan trọng, vì ngân sách dành cho Interreg sẽ bị thu hẹp trong giai đoạn 2021-2027. Cuối cùng, báo cáo lưu ý rằng rất ít dự án xuyên biên giới bị hoãn hoặc hủy do hậu quả của đại dịch COVID-19, chủ yếu là do một lượng lớn các dự án đã được ký hợp đồng thông qua Interreg. Tuy nhiên, hậu quả của cuộc khủng hoảng là có thể nhìn thấy được và các cơ quan quản lý chương trình đã nỗ lực hỗ trợ việc thực hiện các dự án đã ký hợp đồng. Các nhà chức trách cũng vận dụng các biện pháp linh hoạt và đơn giản hóa mà EU đưa ra để giảm thiểu hậu quả của đại dịch, đặc biệt là liên quan đến khả năng kéo dài thời hạn hoàn thành các dự án hoặc báo cáo các tài liệu quan trọng./.
Theo Bản tin quốc tế số 105 của KTNN