Nigeria: Điều tra Cơ quan Điều tiết giá các sản phẩm hóa dầu do chậm thu hồi ngân sách  

1,6 tỷ Naira Nigeria (NGN), tương đương 3,9 triệu USD là số tiền Cơ quan Điều tiết giá các sản phẩm hóa dầu (PPPRA) Nigeria trả thừa và hiện chưa thể thu hồi từ các công ty nhập khẩu xăng dầu. Đây là một trong những phát hiện chính được nêu trong báo cáo của Tổng Kiểm toán Liên bang Nigeria mới được công bố. 

Chậm trễ khắc phục thiếu sót

Mặc dù là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi, là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và có nhiều dầu thô để xuất khẩu, Nigeria vẫn phải chi những khoản ngoại tệ lớn để nhập nhiên liệu và Chính phủ vẫn phải trợ cấp giá xăng dầu cho người dân. Vào năm 2003, Nigeria đã thành lập PPPRA - một cơ quan có nhiều trách nhiệm trong ngành hóa dầu, đặc biệt là giám sát, điều tiết việc cung cấp và phân phối cũng như xác định giá các sản phẩm dầu mỏ trong nước.

Tổng Kiểm toán cho biết, cuộc kiểm tra mới nhất tập trung xem xét tài khoản của PPPRA từ năm 2015 tới nay chỉ ra rằng, cơ quan chưa thực hiện việc thu hồi gần 1,6 tỷ NGN. Đây là số tiền PPPRA đã chi quá mức quy định từ ngân sách trả cho nhiều công ty nhập khẩu xăng dầu trong năm 2015.

Tại Nigeria, Tập đoàn Dầu khí quốc gia hiện là nhà nhập khẩu xăng dầu chính. Ngoài ra, các công ty nhập khẩu xăng dầu nhỏ lẻ cũng có thể nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ, sau đó bán lại cho Chính phủ và nhận tiền từ ngân sách thông qua PPPRA. Báo cáo kiểm toán cho biết, trong năm 2015, các công ty này đã nhận được nhiều hơn tới 1,6 tỷ NGN so với quy định và đến nay, PPPRA vẫn chưa thể thu hồi được.

Báo cáo trích dẫn: “Sau khi bị phát hiện thanh toán quá mức quy định cho các công ty nhập khẩu xăng dầu, PPPRA vẫn chưa thực hiện các biện pháp để thu hồi số tiền trên. Đây là hành vi vi phạm các quy định của Chính phủ nói chung, của ngành dầu mỏ nói riêng”. Ủy ban Tài khoản công Nigeria cũng chỉ trích PPPRA không tích cực để hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Dù để xảy ra nhiều sai phạm, PPPRA vẫn không chủ động tìm ra các giải pháp khắc phục thiếu sót, cải thiện tình hình hoạt động của cơ quan, chưa hỗ trợ Chính phủ thực hiện thành công Chương trình trợ giá xăng dầu quốc gia…

PPPRA là một trong những cơ quan nhà nước nhiều lần bị Tổng Kiểm toán cáo buộc và truy vấn vì liên tục vi phạm các quy tắc hiện hành. Ngoài những vi phạm nêu trên, cơ quan còn nhiều lần bị chỉ trích thường xuyên chi các khoản tạm ứng cá nhân không đúng đối tượng; cấp cho nhân viên các khoản tạm ứng tiền mặt quá mức quy định và tự ý chi tiêu khi chưa được phê duyệt…

Tiếp tục điều tra các công ty liên quan

Báo cáo tiếp tục chỉ ra những bằng chứng cho thấy PPPRA chưa thu hồi số tiền khổng lồ trên cho ngân sách quốc gia và không tiến hành đôn đốc các công ty nhập khẩu xăng dầu thực hiện nghĩa vụ được yêu cầu. Ban Lãnh đạo PPPRA phải chịu trách nhiệm chính thay vì đổ lỗi cho các công ty này.

Đáp lại những phát hiện trong Báo cáo kiểm toán, đại diện PPPRA cho biết: “Sự chậm trễ trong việc thu hồi các khoản tiền bị chi quá mức quy định là do các công ty nhập khẩu xăng dầu đã gửi công văn xin Chính phủ giải quyết yêu cầu được trợ cấp do họ phải chịu mức giá nhập khẩu xăng dầu cao hơn dự kiến, phải trả lãi suất cao do vay tiền từ ngân hàng để có tiền nhập hàng, phải chịu mức chênh lệch ngoại hối cao…; tuy nhiên, yêu cầu của họ không được hồi đáp trong nhiều năm qua nên chưa có kinh phí để hoàn lại tiền”.

Trong Báo cáo kiểm toán mới được công bố, tên của các công ty nhập khẩu xăng dầu liên quan không được đề cập, tuy nhiên, Tổng Kiểm toán cho biết sẽ tiếp tục điều tra các công ty này và những công ty có liên quan. Họ cũng sẽ được yêu cầu giải trình rõ hơn về sự việc, về các nguyên nhân khiến họ không nghiêm túc thực hiện yêu cầu trả lại số tiền nhận vượt mức trong những năm qua.

Sau khi xem xét những phát hiện trong Báo cáo kiểm toán, Ủy ban Tài khoản công đã đưa ra một số khuyến nghị, đặc biệt yêu cầu PPPRA cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi số tiền trên trong vòng 6 tháng. Ủy ban cũng yêu cầu Ban Lãnh đạo PPPRA phải gửi báo cáo về quá trình và kết quả việc thực thi các khuyến nghị tới Ủy ban và Tổng Kiểm toán xem xét, đánh giá.

(Theo allafrica.com và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 34/2021)