Zimbabwe: Ngân sách phòng, chống Covid-19 bị lạm chi nghiêm trọng  

Bất chấp việc một số quan chức cố gắng tìm cách thay đổi số liệu để che giấu hành vi biển thủ ngân sách vốn được dành cho công tác phòng, chống đại dịch, mới đây, Tổng Kiểm toán Zimbabwe Mildred Chiri đã tiến hành một cuộc kiểm toán và phát hiện tình trạng thất thoát nhiều khoản tiền lớn từ Quỹ Covid-19.   

“Bay hơi” 890 triệu USD

Cuộc kiểm toán do Ngân hàng Thế giới tài trợ kinh phí và chủ yếu tập trung vào việc xem xét, đánh giá phương thức quản lý, giải ngân các khoản tiền từ Quỹ cứu trợ nạn nhân của đại dịch Covid-19 (Quỹ Covid-19), xem xét hiệu quả công tác quản lý các trung tâm cách ly và một số vấn đề liên quan khác.

Báo cáo kiểm toán xác định, việc lạm dụng ngân sách của Quỹ là có hệ thống và do nhiều quan chức, cán bộ câu kết với nhau. Nhiều đối tượng sử dụng tên giả, giấy tờ tùy thân giả và nhiều số điện thoại khác nhau nhằm đưa vào danh sách những người nhận trợ cấp do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng không bị kiểm tra chặt chẽ và không bị phát hiện. Hậu quả là khoảng 890 triệu USD đã bị thất thoát từ Quỹ Covid-19.

Sau khi lên án nhiều địa phương để xảy ra sai phạm, sử dụng tiền công sai quy định, Báo cáo tiếp tục trích dẫn 7 Bộ, ban, ngành và các cơ quan ở tỉnh Manicaland, Tây Mashonaland và tỉnh Nam Matabeleland đã chi tiêu gần 2,7 triệu USD ngân sách từ Quỹ Covid-19 trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2020 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Chính quyền nhiều tỉnh khác cũng bị nêu tên trong Báo cáo.

Tổng Kiểm toán nhận định: “Nguyên nhân chính gây ra hậu quả 890 triệu USD từ Quỹ Covid-19 bị thất thoát là do quá trình xác định và đánh giá đối tượng được hưởng trợ cấp không được công khai, minh bạch, không tuân thủ các quy định dẫn đến việc dữ liệu về người thụ hưởng cũng không chính xác. Trong quá trình xử lý các khoản thanh toán, nhiều tên người thụ hưởng bị trùng lặp, hoặc có mã số nhận dạng giống nhau nhưng lại có giới tính và ngày sinh khác nhau. Một số tên người thụ hưởng có số nhận dạng giả mạo, địa chỉ liên lạc không chính xác và không đầy đủ cũng vẫn “lọt lưới” và được nhận trợ cấp...”.
 
Nhiều sai phạm khác bị lên án

Một trong những vấn đề khác được nêu nhiều lần trong Báo cáo kiểm toán là nhiều Bộ, ban, ngành rất lỏng lẻo trong công tác lưu trữ hồ sơ; các giấy tờ cần thiết thường xuyên bị báo cáo thất lạc hoặc không đầy đủ; nhiều thông tin về các khoản tiền do các cá nhân, tổ chức đóng góp, hỗ trợ, các khoản tiền, hàng hóa và dịch vụ đã được gửi đến người dân không được cập nhật và không đáng tin cậy. Trong khi đó, yêu cầu báo cáo về tình hình thực hiện các chính sách, quy định của Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch cũng không được tuân thủ…
Chính quyền các địa phương cũng bị chỉ trích khi không thắt chặt công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi để xác minh thông tin về những đối tượng được hưởng trợ cấp và liệu các khoản trợ cấp đã đến tận tay những người thực sự cần hay chưa. Các cơ quan có thẩm quyền không chú trọng việc xem xét, đề ra các tiêu chí để lựa chọn những đối tượng được nhận các khoản trợ cấp thuộc nhóm thanh niên, vận động viên thể thao, nghệ sĩ, các công chức, viên chức nhà nước... Do đó, nhiều người thụ hưởng, bao gồm cả các quan chức của Chính phủ, đã nhận được các khoản tiền cứu trợ nạn nhân Covid-19 sai quy định.

Công tác quản lý các trung tâm kiểm dịch cũng không được coi trọng, hầu hết các hoạt động chưa được thực hiện một cách nghiêm túc; chi phí để cung cấp thực phẩm, chỗ ở và vận chuyển hàng hóa tại các trung tâm kiểm dịch không được quản lý, bố trí phù hợp.

Sau khi đại dịch xảy ra kéo theo những tổn thất nghiêm trọng về con người và kinh tế, Quỹ Covid-19 được Chính phủ Zimbabwe khẩn trương thành lập nhằm kịp thời hỗ trợ các DN bị đóng cửa, bị dừng hoạt động; hỗ trợ những người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập; các hộ gia đình không có đủ lương thực; những người khuyết tật, người già, người bị bệnh mãn tính; các hộ gia đình có trẻ em… Tuy nhiên, việc quản lý lỏng lẻo, yếu kém của các cơ quan chức năng đã khiến ngân sách của Quỹ bị thất thoát nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác khắc phục hậu quả do đại dịch gây ra.

(Theo Allafrica.com và NewZimbabwe)
(Báo Kiểm toán số 35/2021)