Liberia: Thực hiện kế hoạch kiểm toán các khoản nợ công của Chính phủ

  Ủy ban KTNN Liberia (GAC) đang phối hợp với hãng KPMG thực hiện cuộc kiểm toán xem xét các khoản nợ công của Chính phủ trong giai đoạn 1980-2021. Cuộc kiểm toán bắt đầu vào ngày 27/10/2021 và dự kiến kết thúc ngày 29/4/2022.

Vai trò quan trọng của kiểm toán nợ công

Tổng Kiểm toán Liberia P. Garswa Jackson Sr. cho biết, cuộc kiểm toán được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Phi và các đối tác phát triển của Ngân hàng nhằm mục đích thiết lập một cơ sở dữ liệu về các khoản nợ công của Chính phủ; đánh giá tính đúng đắn, trung thực và hợp lý của các khoản nợ công; đánh giá sự tuân thủ các quy định của pháp luật về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay đến việc trả nợ của cơ quan quản lý và sử dụng nợ công. Đồng thời đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nợ, bao gồm cả việc lập và thực hiện chiến lược quản lý nợ nhằm huy động vốn theo yêu cầu, đảm bảo các nhu cầu tài chính và trách nhiệm thanh toán của Chính phủ được đáp ứng ở chi phí thấp nhất có thể trong trung hạn và dài hạn; đạt được các mục tiêu về kiểm soát rủi ro, chi phí và đáp ứng được các mục tiêu quản lý nợ.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 10/12/2021, Tổng Kiểm toán Jackson cho biết, vào ngày 27/8/2020, Bộ Tài chính và Kế hoạch phát triển (MFDP) thông qua Cơ quan Quản lý nợ (DMU) đã nhận được các yêu cầu thanh toán nợ, yêu cầu bồi thường và truy thu của các bên cho vay với số tiền hơn 124 triệu USD và hơn 11 triệu đô la Liberia.

GAC đã bổ nhiệm hãng kiểm toán KPMG tại Ghana thực hiện một cuộc kiểm toán toàn diện xem xét các khoản nợ công trong khoảng thời gian từ tháng 01/1982 đến tháng 10/2003 và các khoản nợ phát sinh từ tháng 10/2003 đến tháng 01/2006. KPMG đã phân loại các khoản nợ thành 3 nhóm “hợp lệ, không hợp lệ, có thể xảy ra tranh chấp” và xem xét việc giải quyết một số yêu cầu thanh toán nợ hợp lệ. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở dữ liệu toàn diện nào để chỉ ra các khoản nợ nào đã được giải quyết dứt điểm.

Chia sẻ thông tin trong quá trình tiến hành cuộc kiểm toán, ông Garswa Jackson cho biết, vào năm 2008, Chính phủ Liberia đã ủy quyền cho Bộ Tài chính thực hiện một cuộc điều tra để xác minh các khoản nợ và đưa ra khuyến nghị giải quyết các yêu cầu thanh toán nợ. Những vấn đề tồn đọng được GAC tổng hợp và những khiếu nại được ghi lại trong Báo cáo kiểm toán của KPMG sẽ được xác nhận và xem xét thêm để đưa ra một kế hoạch giải quyết phù hợp.

GAC cho biết thêm, để hoàn thành một báo cáo cung cấp những bằng chứng khách quan thể hiện tính hợp lệ của các khoản nợ và để hoàn thiện việc xác nhận các khoản nợ công của Chính phủ, MFDP đã quyết định thực hiện một cuộc xác minh bổ sung xem xét các khoản nợ từ năm 1980-2021, từ đó đưa ra các khuyến nghị cần thiết.
 
Cần sớm có chiến lược quản lý nợ

Ông Jackson cho biết, dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán nợ công lần này, Văn phòng Tổng Kiểm toán sẽ tiến hành đánh giá mức độ và hiệu quả của các biện pháp kiểm soát danh mục nợ công và các chiến lược quản lý nợ của Chính phủ, đánh giá các tài liệu hỗ trợ việc thanh toán nợ và để kết luận tất cả các khoản nợ công từ năm 1980-2021, làm cơ sở cho việc xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện cho hệ thống quản lý nợ trong nước tại DMU và MFDP.

Sau khi hoàn thành cuộc kiểm toán, GAC sẽ nộp báo cáo lên Cơ quan Lập pháp Liberia, lên Tổng thống và gửi các bên liên quan để các bên thực hiện nhiệm vụ như đã được quy định trong Đạo luật GAC năm 2014. Tổng Kiểm toán cho rằng, những kết quả của cuộc kiểm toán sẽ hỗ trợ Chính phủ lập kế hoạch hoạt động, lên kế hoạch quản lý, phân bổ ngân sách và đưa ra kế hoạch thanh lý các khoản nợ đồng thời giảm bớt các khoản nợ đọng...

Tổng Kiểm toán kết luận, GAC rất coi trọng tầm quan trọng của cuộc kiểm toán nợ công, bởi nợ công chiếm khoảng 11% ngân sách quốc gia và quản lý nợ thận trọng là yếu tố cơ bản giúp tăng trưởng kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết hoàn thành những nhiệm vụ của Ủy ban KTNN, xem xét kỹ lưỡng tính hợp lý, hợp lệ và tính xác thực của các khoản nợ công trong giai đoạn 1980-2021 cũng như đưa ra các khuyến nghị thận trọng cho công tác quản lý nợ công của Chính phủ trong tương lai”./.

(Theo New Republic và Allafrica)
(Báo Kiểm toán số 3/2022)