Thay đổi thời điểm đăng ký cuộc kiểm toán chất lượng vàng

(sav.gov.vn) - Trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XIII - ông Trần Minh Khương - cho rằng, KTNN cần xem xét thay đổi thời điểm đăng ký cuộc kiểm toán chất lượng vàng từ đầu năm thành trước ngày 31/10 hằng năm. Khi đó, từng đơn vị đều đã biết cuộc kiểm toán nào có chất lượng chuyên môn và kết quả tốt nhất để đăng ký.

Thưa ông, năm 2023, KTNN khu vực XIII đã đăng ký 1 cuộc kiểm toán chất lượng vàng. Xin ông cho biết kết quả nổi bật từ cuộc kiểm toán này?

Năm 2023, KTNN khu vực XIII đã đăng ký cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) và báo cáo quyết toán (BCQT) NSĐP năm 2022 của tỉnh Đồng Nai và các chuyên đề lồng ghép là cuộc kiểm toán chất lượng vàng. Với sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong Đoàn, cuộc kiểm toán đã kết thúc với chất lượng chuyên môn tốt, phát hiện nhiều sai sót, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Cụ thể, đợt 1, kiểm toán NSĐP và chuyên đề lồng ghép, Đoàn kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 555,96 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 14,36 tỷ đồng và kiến nghị khác 216,89 tỷ đồng. Đồng thời, Đoàn kiểm toán đã phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định về đầu tư xây dựng, gây thiệt hại tiền và tài sản Nhà nước tại Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm chiếu xạ tỉnh Đồng Nai do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Trên cơ sở đó, KTNN khu vực XIII đã đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai: “Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm chiếu xạ tỉnh Đồng Nai để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đợt 2, kiểm toán BCQT NSĐP năm 2022 của tỉnh Đồng Nai, Đoàn kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính 6.157,68 tỷ đồng (kiến nghị thu hồi, hoàn trả ngân sách trung ương), kiến nghị khác 3.951,79 tỷ đồng.

Vậy, KTNN khu vực XIII đã có những chỉ đạo và tổ chức triển khai như thế nào nhằm đảm bảo thực hiện tốt cuộc kiểm toán với nhiều phát hiện nổi bật nêu trên, thưa ông?

Ngay từ đầu năm, khi xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2023 trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, đơn vị đã quan tâm bố trí những cán bộ, KTV có kinh nghiệm, đồng thời đã chuẩn bị kỹ từ khâu xây dựng đề cương khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán tổng quát sát với mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023 (theo hướng dẫn tại Công văn số 37/KTNN-TH ngày 13/01/2023); tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Đề cương kiểm toán NSĐP và các Đề cương kiểm toán chuyên đề do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Trên cơ sở thông tin, tình hình hoạt động, công tác quản lý của các đơn vị được kiểm toán và kết quả đánh giá rủi ro kiểm toán, Đoàn khảo sát đã xác định được đầy đủ mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán của từng cuộc kiểm toán, của từng đơn vị để làm cơ sở cho việc xác định trọng tâm kiểm toán tại kế hoạch kiểm toán chi tiết.

Trong quá trình kiểm toán, Trưởng đoàn, các Tổ trưởng và các thành viên trong Đoàn luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nghiêm Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán, Quy tắc ứng xử của KTV nhà nước... Trưởng đoàn thường xuyên bám sát hoạt động, nắm bắt thông tin qua kiểm tra nhật ký làm việc điện tử, các báo cáo định kỳ và trực tiếp kiểm tra, đánh giá tiến độ, kết quả kiểm toán của Tổ kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán, qua đó giải quyết vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ để chỉ đạo kịp thời Tổ kiểm toán và các thành viên Đoàn kiểm toán hoàn thành đúng tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ kiểm toán được phân công.

"Việc chấm điểm, lựa chọn và công nhận các Đoàn kiểm toán chất lượng vàng là rất cần thiết và hết sức ý nghĩa, nhằm ghi nhận, tôn vinh của Lãnh đạo KTNN cũng như toàn Ngành đối với những cố gắng, nỗ lực của các Đoàn kiểm toán. Việc làm này đã tạo ra phong trào thi đua thực chất, qua đó từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, KTV, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030." Ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII.

Theo ông, từ thực tiễn kiểm toán nói chung và cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng nói riêng, KTNN khu vực XIII đã rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp gì để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán trong thời gian tới?

Để nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung, đồng thời nâng cao chất lượng bình xét đoàn kiểm toán chất lượng vàng nói riêng, KTNN cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, KTV nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của KTV nhà nước đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành, đồng thời nâng cao bản lĩnh, tính chiến đấu và tính trung thực trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, KTV nắm vững quy trình, chuẩn mực kiểm toán, có trình độ chuyên môn, kỹ năng kiểm toán ngày càng cao; kịp thời phổ biến các phát hiện kiểm toán mới, các dạng sai phạm mới, các phương pháp tiếp cận, kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán mới để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Thứ ba, trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán trưởng và Trưởng đoàn kiểm toán ngoài xem xét các báo cáo định kỳ của các Tổ/Đoàn kiểm toán, cần trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của Tổ/Đoàn kiểm toán, qua đó kịp thời chỉ đạo về cách tiếp cận, phương pháp kiểm toán các nội dung trọng tâm đã xác định tại các kế hoạch kiểm toán, kịp thời xử lý các vấn đề đã phát hiện, làm rõ các vấn đề đang có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thực hiện kiểm toán của các Tổ/Đoàn kiểm toán, từ đó làm rõ được các nội dung kiểm toán trọng tâm, các dấu hiệu sai sót, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các địa phương và đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thứ tư, hiện nay, Ngành yêu cầu các đơn vị đăng ký cuộc kiểm toán chất lượng vàng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, thời điểm đầu năm chưa khảo sát, chưa thực hiện kiểm toán thì không thể biết tình hình và kết quả của các cuộc kiểm toán sẽ thực hiện trong năm, nên không có căn cứ, cơ sở cho việc đăng ký. Bên cạnh đó, cách làm này dễ dẫn tới tình trạng các đơn vị sẽ tập trung nhân lực, dành nhiều thời gian lãnh đạo, chỉ đạo các Đoàn kiểm toán đã đăng ký để đạt chất lượng tốt, từ đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm toán sẽ không được toàn diện.

Để khắc phục tình trạng này, Lãnh đạo KTNN cần xem xét thay đổi thời điểm đăng ký cuộc kiểm toán chất lượng vàng từ đầu năm thành trước ngày 31/10 hằng năm. Khi đó, tất cả các Đoàn kiểm toán đều thi đua đạt chất lượng vàng và đến ngày 31/10 thì từng đơn vị đều đã biết cuộc kiểm toán nào có chất lượng chuyên môn và kết quả tốt nhất để đăng ký. Đồng thời, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán vẫn còn khoảng 2 tháng cho hoạt động soát xét lại bằng chứng, hồ sơ kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Báo Kiểm toán số 52/2023