Hoa Kỳ: Cần siết chặt quản lý, ngăn lạm quyền trong điều tra

Tháng 3 vừa qua, các kiểm toán viên của Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI), trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, đã công bố kết quả cuộc kiểm toán nội bộ năm tài chính 2018-2019 và chỉ ra nhiều vi phạm của một số đặc vụ, nhân viên tại đây.

Hàng loạt sai sót được chỉ ra

Là tổ chức có nhiệm vụ chống lại nạn khủng bố, tình báo, gián điệp, ám sát hoặc phá hoại các chương trình bảo mật thông tin cũng như điều tra tội phạm hàng đầu Hoa Kỳ, FBI có quyền lực pháp lý đối với hơn 200 loại tội phạm trên khắp liên bang. Tuy nhiên, cuộc kiểm toán nội bộ mới nhất đã lên án tình trạng một số nhân viên tình báo của FBI nhiều lần vi phạm các quy tắc hiện hành.

Các kiểm toán viên đã tiến hành xem xét việc thực hiện quyền hạn này của nhân viên FBI. Trong số 353 vụ việc được điều tra từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2019 liên quan đến các vấn đề và đối tượng nhạy cảm như chính trị gia, các tổ chức tôn giáo, một số cơ quan truyền thông..., các kiểm toán viên liệt kê tới 747 lần nhân sự của FBI vi phạm các quy định hiện hành. Trong đó, 191 trường hợp vi phạm liên quan đến các quan chức của Chính phủ; hàng chục vụ liên quan đến các tổ chức tôn giáo, các tổ chức chính trị trong nước… Một số sai sót phải kể đến là việc các đặc vụ FBI đã vội vã bắt tay vào thực hiện các cuộc điều tra khi chưa nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao có thẩm quyền; việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ không được tuân thủ; các thủ tục cần thiết trước khi mở các cuộc điều tra không được tiến hành đầy đủ; nhiều nhân viên tình báo không thông báo cho các công tố viên về quá trình hoạt động có liên quan.

Cuộc kiểm toán năm 2019 của FBI cho thấy, 70% trong số 747 vi phạm kể trên “liên quan đến việc không tuân thủ các quy định trong quá trình phê duyệt kế hoạch điều tra trước khi được thực hiện, thiếu thông tin tới các bộ phận liên quan và các vấn đề yếu kém trong công tác quản trị”. Báo cáo dẫn chứng, 35 cuộc điều tra đã hoàn thiện và 4 cuộc điều tra sơ bộ do FBI thực hiện chưa có sự chấp thuận của lãnh đạo phụ trách.

Hệ quả của tình trạng này là một số tổ chức tại Hoa Kỳ từng kiện các nhân viên của FBI vì đã tự ý truy cập vào hồ sơ của các cơ quan chính phủ, các viện… vượt quá quyền hạn và tự ý mở các cuộc điều tra khi chưa được phép.
 
Tăng cường công tác quản lý nhân sự

Các kiểm toán viên nội bộ của cơ quan nhận định rằng, so với những cuộc kiểm toán trước, cuộc kiểm toán lần này đã phát hiện tỷ lệ vi phạm nhiều hơn, đặc biệt là lỗi không tuân thủ các quy định trong quá trình điều tra các vấn đề nhạy cảm. Một trong số những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm trên là do công tác quản lý còn lỏng lẻo, ngoài ra một số nhân viên của Cục bị chỉ trích chưa hoàn thành trách nhiệm và “cẩu thả trong chuyên môn”. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, các kiểm toán viên nội bộ đã đưa ra các khuyến nghị để chấm dứt những hành vi vi phạm tại cơ quan, đồng thời cho rằng FBI cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn vi phạm tương tự, góp phần bảo vệ luật pháp.

Hiện, Báo cáo kiểm toán nội bộ của FBI chưa tiết lộ danh tính những cá nhân và tổ chức được FBI điều tra trong năm tài chính 2018-2019, đồng thời chưa tiết lộ cụ thể bao nhiêu sai phạm có thể dẫn đến việc truy tố hoặc kết tội nhân viên. Ban Lãnh đạo FBI cũng chưa phản hồi về các vụ kiện đang chờ xử lý và từ chối trả lời các câu hỏi từ các cơ quan báo chí.

Các nhà lập pháp của Ủy ban Giám sát và Cải cách của hạ viện cho rằng, cần thực hiện một cuộc kiểm toán khác nhằm đánh giá, xem xét hoạt động của đội ngũ nhân sự tại FBI. Một số thành viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cũng gửi công văn tới Văn phòng Giải trình của Chính phủ yêu cầu xem xét lại hoạt động của nhân sự tại FBI.

Trước và sau khi cuộc kiểm toán diễn ra, Bộ Tư pháp và FBI đã tăng cường công tác giám sát các cuộc điều tra liên quan đến các vấn đề nhạy cảm do nhân viên của FBI thực hiện. Sau khi Báo cáo kiểm toán được công bố, các cuộc điều tra của FBI đã được giám sát chặt chẽ hơn.

(Theo washingtontimes.com và tổng hợp)