Giải quyết rủi ro, gian lận: Thách thức đối với các kiểm toán viên

(sav.gov.vn) - Giải quyết rủi ro gian lận luôn là một thách thức đối với các kiểm toán viên (KTV), từ việc xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu đến thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán. Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán, KTV còn phải tận dụng tối đa những phát hiện từ phân tích dữ liệu và mở rộng điều tra để tăng khả năng tiếp cận các rủi ro gian lận.

Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế (ISA) số 240 về xem xét gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) đã mô tả các yêu cầu đối với KTV khi thực hiện kiểm toán, cụ thể như: Duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc kiểm toán; thảo luận với các thành viên trong nhóm kiểm toán về cách thức và vị trí có thể xảy ra sai sót trọng yếu do gian lận trong BCTC và cách ứng phó với khả năng xảy ra gian lận; trao đổi với ban lãnh đạo về rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận trong BCTC và quy trình xác định, ứng phó, giám sát rủi ro trong tổ chức...

Kết hợp thái độ hoài nghi nghề nghiệp với mở rộng điều tra

Nhằm giúp KTV nâng cao phương pháp giải quyết rủi ro gian lận, Ủy ban Tiêu chuẩn kiểm toán (ASB) thuộc Viện Kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA) đã thực hiện các cuộc thảo luận và nghiên cứu cùng các chuyên gia hàng đầu về pháp lý và gian lận. Kết quả cho thấy, việc duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp theo định nghĩa của ISA 200 “thái độ luôn nghi vấn, cảnh giác đối với những tình huống cụ thể có thể là dấu hiệu của sai sót do nhầm lẫn hay do gian lận và đánh giá cẩn trọng đối với các bằng chứng kiểm toán” là chưa đủ để phòng ngừa, phát hiện và ứng phó gian lận.

Theo các chuyên gia về pháp lý và gian lận, khi xem xét khả năng gian lận, các KTV phải chấp nhận rằng bất cứ ai, ở không gian, thời gian nào cũng có thể thực hiện hành vi gian lận, vì vậy KTV không nên phụ thuộc quá nhiều vào các thông lệ cũ và danh sách những rủi ro đã được phát hiện trước đó.

Việc thực hiện các cuộc kiểm toán với cùng một tư duy hoặc chỉ đánh giá dựa trên các tiêu chí đã được xác định như cuộc kiểm toán trước khiến KTV lệ thuộc vào những gì có sẵn và chỉ thu thập được thông tin từ các nguồn quen thuộc. KTV cần tránh những thông tin hay những giải trình dễ dàng/có sẵn, tập trung vào phỏng vấn, đánh giá hành vi, đọc ngôn ngữ cơ thể để đào sâu hơn từng vị trí có thể có rủi ro gian lận cho đến khi xác định được kết quả rõ ràng.

KTV sẽ phải tìm nguyên nhân xảy ra sai sót, cung cấp thông tin cho tổ chức để sửa chữa các sai sót trong BCTC. Rất nhiều rủi ro gian lận xuất phát từ thiếu sót trong kiểm soát nội bộ của tổ chức hoặc là dấu hiệu của các vấn đề phổ biến hơn trong BCTC. Các chuyên gia điều tra nhấn mạnh, KTV phải luôn duy trì sự hoài nghi nghề nghiệp và thu thập tài liệu để chứng thực những hoài nghi này. Chìa khóa để thành công là theo dõi cả quá trình và hình thành tệp dữ liệu dựa trên những điều tra, thông tin thu thập được đằng sau những giải trình của tổ chức (lãnh đạo, các phòng ban, nhân viên) thay vì chỉ kiểm tra, đánh giá theo những tiêu chí, thông tin có sẵn.

Thảo luận giữa các nhóm liên quan đến cuộc kiểm toán

Một yếu tố quan trọng được nêu trong ISA 315 về thủ tục đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị - là cuộc thảo luận bắt buộc phải có sự tham gia của các bên liên quan đến cuộc kiểm toán. Theo đó, các vấn đề cụ thể về gian lận cần được giải quyết trong cuộc thảo luận giữa các KTV với ban quản lý, lãnh đạo, các phòng ban để phòng tránh việc che giấu hành vi lập BCTC gian lận, tài sản bị biển thủ, các yếu tố bên ngoài và bên trong tạo ra động cơ/áp lực thực hiện gian lận, hoặc nguy cơ ban quản lý bỏ qua các biện pháp kiểm soát.

Các chuyên gia điều tra khuyến nghị rằng, tất cả KTV, thành viên chủ chốt của nhóm kiểm soát cần được tham dự đầy đủ các phiên thảo luận. Việc khuyến khích tất cả các thành viên tham dự mang lại cơ hội phát triển nghề nghiệp và cho phép các KTV ít kinh nghiệm hơn học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn về các vấn đề liên quan đến gian lận. Ngoài ra, việc xuất hiện của các nhóm về công nghệ thông tin, định giá, hay kiểm soát trong các cuộc thảo luận sẽ giúp KTV có nhiều góc nhìn hơn khi đánh giá rủi ro gian lận.

Bên cạnh đó, KTV cần tận dụng những phát hiện từ phân tích dữ liệu để tăng hiểu biết về tổ chức, đặc biệt là những dữ liệu phi tài chính, từ đó mở rộng thông tin trong phiên thảo luận, thu thập thêm những góc nhìn khác về BCTC. Đối với ban quản lý và ban quản trị, để nâng cao hiệu quả của các cuộc điều tra liên quan đến gian lận, các chuyên gia khuyến nghị KTV nên tổ chức các cuộc thảo luận thay vì chỉ đặt câu hỏi và nên xếp các câu hỏi mang tính bắt buộc như một phần quan trọng của cuộc thảo luận. Các câu hỏi có thể dẫn đến câu trả lời “có” hoặc “không”, nhưng nếu thu hút các bên cùng tham gia trao đổi thì KTV sẽ hiểu rõ hơn về rủi ro gian lận, chẳng hạn như cách xác định, phản hồi và giám sát rủi ro gian lận.

Ngoài ra, KTV tăng cường tương tác trực tiếp với các nhân viên, phòng ban và thực hiện các cuộc điều tra trực tiếp liên quan đến gian lận để có thể phản ứng theo thời gian thực trước những rủi ro tiềm ẩn. KTV có thể ghi nhận lời giải thích của các bên khi tương tác trực tiếp, nhưng sẽ phải đặt nhiều câu hỏi liên tiếp và thu thập tài liệu chứng minh hoặc phản biện cho những giải thích đó. Điều này đòi hỏi KTV có kinh nghiệm về gian lận sẽ chủ trì các cuộc thảo luận, phỏng vấn, từ đó xem xét tính hữu ích của việc mở rộng các cuộc điều tra gian lận ngoài phạm vi đã xác định (điều tra khách hàng, nhà cung cấp) để có thể thu được bằng chứng chính xác./.