Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Từ khi thành lập đến nay, vai trò phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí của KTNN đã được khẳng định bằng những số liệu kiến nghị tăng thu, giảm chi cho NSNN cùng nhiều kết luận, kiến nghị có giá trị. Tuy nhiên, KTNN vẫn đang thiếu hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả PCTN, lãng phí của hoạt động kiểm toán.

6 cơ sở xây dựng hệ thống tiêu chí

Để xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá phù hợp yêu cầu, đầy đủ về tính hiệu lực, hiệu quả PCTN, lãng phí qua hoạt động kiểm toán, KTNN cần dựa vào 6 cơ sở: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN quy định tại Hiến pháp, Luật KTNN và các luật chuyên ngành khác; Yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và xã hội đối với KTNN trong hoạt động PCTN, lãng phí; Mục tiêu kiểm toán hằng năm của KTNN, mục tiêu của từng cuộc kiểm toán liên quan đến PCTN, lãng phí; Các nguồn lực được KTNN sử dụng cho các hoạt động kiểm toán có mục tiêu PCTN, lãng phí; Các biện pháp để tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán; Các văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành về ban hành các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả PCTN, lãng phí.
 
3 nhóm tiêu chí đánh giá tính hiệu lực

Các tiêu chí đánh giá hiệu lực PCTN, lãng phí của hoạt động kiểm toán hướng đến đánh giá các kết quả phát hiện và kiến nghị xử lý, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí. Cụ thể, có 3 nhóm tiêu chí:

Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả phát hiện sai phạm, tham nhũng, lỗ hổng, lãng phí để kiến nghị xử lý, ngăn chặn: Số lượng các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; số lượng kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân do thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định…; số lượng vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản công; số lượng vụ việc chuyển cơ quan điều tra; số tiền phải thu nộp, thu hồi, giảm dự toán, giảm thanh toán do sai phạm, lãng phí. 
  
Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán về ngăn chặn, xử lý tham nhũng, lãng phí: Tỷ lệ thực hiện kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân do thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định…; tỷ lệ thực hiện kiến nghị về kiểm tra, thanh tra vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản công; tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính thu nộp, thu hồi, giảm dự toán, giảm thanh toán do sai phạm, lãng phí.

Nhóm tiêu chí đánh giá tác động đến sự minh bạch, lành mạnh trong quản lý tài chính, tài sản công: Các kết quả kiểm toán về PCTN, lãng phí đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội về các thông tin, số liệu về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để ban hành văn bản pháp luật, giám sát; đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành về các thông tin, số liệu quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để ban hành văn bản pháp luật; đơn vị được kiểm toán chấp hành tốt các quy định pháp luật, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài chính, tài sản công, không vi phạm các quy định mà KTNN đã có kiến nghị chấn chỉnh; hệ thống kiểm soát nội bộ kịp thời phát hiện, ngăn chặn gian lận, sai sót trong hoạt động của đơn vị.
 
6 nhóm tiêu chí về đánh giá tính hiệu quả


Tiêu chí đánh giá hiệu quả PCTN, lãng phí của hoạt động kiểm toán hướng đến đánh giá việc KTNN sử dụng, khai thác tối đa, có chất lượng các nguồn lực đang quản lý và các biện pháp tổ chức, kỹ thuật đã sử dụng để đạt kết quả cao nhất, gồm 6 nhóm tiêu chí:

Nhóm tiêu chí đánh giá việc sử dụng các biện pháp tổ chức thực hiện kiểm toán: Cuộc kiểm toán được thực hiện với phương án tối ưu về thời gian, số lượng nhân sự, việc lồng ghép các cuộc kiểm toán; xác định được mục tiêu cụ thể, nội dung trọng yếu, phù hợp với mục tiêu kiểm toán và thông tin thu thập, kết quả đánh giá rủi ro; phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán tài chính được kiểm toán viên (KTV) nắm chắc và sử dụng thành thạo, hiệu quả; đảm bảo nhân sự có năng lực, kinh nghiệm kiểm toán được phân công kiểm toán tại các đơn vị, lĩnh vực nhạy cảm, có khả năng xảy ra tham nhũng, lãng phí cao.  

Nhóm tiêu chí đánh giá việc ban hành các quy trình, quy chế, phương pháp nghiệp vụ: Hệ thống các quy trình, hướng dẫn kiểm toán, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán được ban hành đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động kiểm toán.

Nhóm tiêu chí đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho KTV: Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng về PCTN, lãng phí và về đạo đức; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật; cập nhật thường xuyên kiến thức pháp luật, kinh nghiệm về nghiệp vụ điều tra, xác minh hành vi tham nhũng.

Nhóm tiêu chí đánh giá việc sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao: Các phần mềm hỗ trợ được đưa vào áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kiểm toán, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm; áp dụng triệt để các kỹ thuật công nghệ cao nhằm phát hiện các gian lận, tiêu cực, kém chất lượng qua kiểm tra hiện trường (nhất là lĩnh vực đầu tư dự án xây dựng cơ bản); KTV am hiểu và sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ kiểm toán có liên quan.

Nhóm tiêu chí đánh giá việc PCTN trong nội bộ đoàn kiểm toán và các cấp quản lý liên quan: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nhiệm vụ PCTN, lãng phí trong nội bộ Ngành, cơ quan, đoàn kiểm toán được thực hiện thường xuyên, có chất lượng; hệ thống quy định, quy chế, quy tắc, quy trình, mẫu biểu hồ sơ, chế độ báo cáo... nhằm kiểm soát hành vi của KTV và các cấp quản lý có liên quan đến cuộc kiểm toán được ban hành đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và có hiệu lực trong thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, lãng phí và các quy định của KTNN về PCTN nội bộ được thực hiện đầy đủ và được KTV nắm chắc; việc chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản được thực hiện theo quy định…

Nhóm tiêu chí về phối hợp với các cơ quan khác trong thực hiện PCTN, lãng phí: Có sự phối hợp tốt, thường xuyên giữa KTNN với các cơ quan nội chính về thông báo, trao đổi thông tin về công tác kiểm toán, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, thanh tra, dấu hiệu vi phạm, đơn thư tố cáo… trong xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; các thông tin thu thập được từ các cơ quan nội chính đã được KTNN sử dụng mang lại kết quả kiểm toán có chất lượng trong hoạt động PCTN, lãng phí.

Theo Báo Kiểm toán số 21/2022