Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương tại các điểm cầu tỉnh, thành trên cả nước. Ông Nguyễn Trọng Thủy – Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng đại diện Kiểm toán nhà nước (KTNN) tham dự Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, năm 2016, công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua yêu nước và công tác khen thưởng được nâng lên. Các bộ, ban, ngành và địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tiếp tục được kiện toàn và đổi mới hoạt động. Các phong trào thi đua phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực, bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua đặc biệt, thi đua cao điểm được phát động để thực hiện kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Công tác khen thưởng được quan tâm chỉ đạo, chất lượng khen thưởng được nâng lên. Trong năm 2016, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho trên 110.000 tập thể, cá nhân. “Các cấp, ngành đã quan tâm chỉ đạo khen thưởng chặt chẽ, đúng người, đúng thành tích, kịp thời khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền”- bà Trần Thị Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cho rằng, một số phong trào thi đua hiệu quả chưa cao, có nơi còn hình thức, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát phong trào thi đua chưa được coi trọng, việc sơ kết và tổng kết chưa kịp thời. “Cá biệt có những trường hợp được khen thưởng cấp nhà nước nhưng chưa phát huy, giữ vững và lan tỏa; khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng của một số đơn vị cấp bộ, cấp tỉnh còn chưa ổn định; năng lực tham mưu của cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở một số bộ ngành, địa phương còn hạn chế”- bà Trần Thị Hà nhìn nhận.
Bà Trần Thị Hà cho biết, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 sẽ tập trung tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về thi đua, khen thưởng; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; nâng cao vai trò hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và chất lượng công tác tham mưu của cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện và nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng...
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi tập trung xoay quanh các vấn đề về kinh nghiệm trong công tác phát hiện nhân tố điển hình tiên tiến; vai trò, vị trí và kinh nghiệm triển khai các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển KT-XH các địa phương; vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước, triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao, biểu dương những kết quả đã đạt trong công tác thi đua khen thưởng trong năm qua đồng thời nhấn mạnh những kết quả đó đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng của toàn xã hội trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội.
Thống nhất với những đánh giá về tồn tại, hạn chế về công tác thi đua khen thưởng của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Thủ tướng đã đưa ra một số giải pháp khắc phục hiệu quả, nghiêm túc sửa chữa đối với công tác thi đua khen thưởng trong thời gian tới. Đó là, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác thi đua khen thưởng. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, làm rõ những vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung, đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước, chú ý khen thưởng trực tiếp cho người lao động trực tiếp ở cơ sở như công nhân, nông dân, chiến sĩ; Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cần có kế hoạch phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bảo đảm dân chủ trong bình chọn các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương khi trình khen thưởng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng; Thực hiện việc xem xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng và trình khen thưởng, tránh khen thưởng tràn lan, vượt cấp, phải vận dụng các quy định của pháp luật trong khen thưởng. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp thực hiện tốt chức năng, tham mưu, thẩm định hồ sơ khen thưởng bảo đảm quy trình, thủ tục, hồ sơ và thời gian theo quy định. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như: Thuế, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, môi trường và cơ quan truyền thông trong việc nắm bắt thông tin, lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng…/.
M. Thúy