Kiểm toán nhà nước Trung Quốc: Hành trình phát triển và vai trò trong hợp tác quốc tế
(sav.gov.vn) - Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc (KTNN Trung Quốc), với lịch sử phát triển gắn liền với những bước tiến cải cách thể chế của quốc gia này, đã khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công và giám sát kinh tế. Là Chủ tịch và Tổng Thư ký của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiều nhiệm kỳ, KTNN Trung Quốc không chỉ ghi dấu ấn trong nước mà còn đóng góp tích cực vào hợp tác kiểm toán quốc tế, trong đó có mối quan hệ hợp tác bền chặt với KTNN Việt Nam.
Hành trình hình thành và phát triển của KTNN Trung Quốc
Cơ quan Kiểm toán Quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (KTNN Trung Quốc) ra đời và phát triển trong bối cảnh đất nước này đẩy mạnh cải cách thể chế và hoàn thiện hệ thống quản lý tài chính công. Hoạt động giám sát và kiểm toán tại Trung Quốc có nguồn gốc từ lịch sử lâu đời, nhưng bước ngoặt quan trọng diễn ra vào tháng 12/1982, khi Phiên họp thứ 5 của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 5 thông qua Nghị quyết thi hành hệ thống kiểm toán và giám sát độc lập. Nghị quyết này được quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 1982, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới cho kiểm toán chính phủ tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngày 15/9/1983, KTNN Trung Quốc chính thức được thành lập tại Đại lễ đường Nhân dân, theo quy định của Hiến pháp 1982. Đây là cột mốc quan trọng, khẳng định vai trò của cơ quan này trong việc giám sát các hoạt động tài chính công, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nguồn lực nhà nước. Sau đó, theo “Kế hoạch cải cách thể chế của Đảng và Nhà nước” được Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX phê duyệt năm 2023, KTNN Trung Quốc trở thành một bộ phận cấu thành của Quốc vụ viện, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng. Cơ quan này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Đảng, duy trì sự lãnh đạo tập trung và thống nhất trong công tác kiểm toán.
Trong hơn 40 năm kể từ khi thành lập, KTNN Trung Quốc đã không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực, trở thành một trong những cơ quan kiểm toán hàng đầu thế giới. Với vai trò giám sát tài chính công và trách nhiệm kinh tế của các cơ quan, tổ chức nhà nước, KTNN Trung Quốc đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quản trị hiệu quả và phòng chống tham nhũng tại quốc gia này.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn tiếp xã giao Phó Tổng KTNN Trung Quốc HAO Shuchen tại Hà Nội vào tháng 10/2024
Cơ sở pháp lý và mạng lưới tổ chức rộng khắp
KTNN Trung Quốc hoạt động dựa trên một nền tảng pháp lý vững chắc, được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc vụ viện. Là cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện – nhánh hành pháp cao nhất của Chính phủ Trung Quốc, KTNN Trung Quốc chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng và thực hiện quyền giám sát độc lập thông qua các hoạt động kiểm toán trên phạm vi toàn quốc. Kết quả kiểm toán được báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công.
Ngày 1/2/1995, Luật Kiểm toán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được ban hành, trở thành khung pháp lý quan trọng cho hoạt động kiểm toán chính phủ. Luật quy định rõ phạm vi, chức năng và quyền hạn của KTNN Trung Quốc, bao gồm kiểm toán ngân sách, tài sản nhà nước, quỹ công và trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo. Quy chế thực hiện Luật Kiểm toán, ban hành năm 1997 và sửa đổi năm 2010, đã cụ thể hóa các quy định, tạo điều kiện để KTNN Trung Quốc triển khai nhiệm vụ một cách đồng bộ và hiệu quả. Tổng Kiểm toán, người đứng đầu cơ quan, là thành viên của Quốc vụ viện, chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý công tác kiểm toán toàn quốc, đồng thời chỉ đạo các cơ quan kiểm toán địa phương.
Về cơ cấu tổ chức, KTNN Trung Quốc được xây dựng theo mô hình tập trung với trụ sở chính tại Bắc Kinh và một mạng lưới rộng khắp cả nước. Đứng đầu là Tổng Kiểm toán nhà nước, kiêm Bí thư Đảng ủy, cùng 7 Phó Tổng Kiểm toán hỗ trợ điều hành. Cơ quan này có 31 đơn vị nội bộ, được chia thành ba nhóm chính. Nhóm 1 bao gồm các đơn vị như Văn phòng chung, quản lý hoạt động hàng ngày và lập kế hoạch kiểm toán; Vụ Nghiên cứu chính sách, dự thảo văn bản quan trọng; Vụ Pháp chế, soạn thảo luật và quy định kiểm toán; Vụ Thẩm định, xem xét quyết định kiểm toán; Vụ Kiểm toán dữ liệu điện tử, phân tích dữ liệu kiểm toán; và Vụ Kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán ngân sách trung ương và địa phương. Nhóm 2 tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu như Vụ Quản lý thuế và kiểm toán, kiểm toán thu ngân sách; Vụ Kiểm toán nông nghiệp và nông thôn; Vụ Kiểm toán đầu tư tài sản cố định; và Vụ Kiểm toán tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Nhóm 3 bao gồm Vụ Kiểm toán doanh nghiệp, kiểm toán doanh nghiệp nhà nước; Vụ Kiểm toán nước ngoài, kiểm toán tài sản nhà nước ở nước ngoài; Vụ Kiểm toán trách nhiệm giải trình kinh tế; và Vụ Hợp tác quốc tế, phụ trách quan hệ với các tổ chức kiểm toán quốc tế.
Để thực hiện nhiệm vụ trên toàn quốc, KTNN Trung Quốc thiết lập 30 văn phòng vệ tinh tại các bộ, cơ quan của Quốc vụ viện và doanh nghiệp nhà nước, cùng 18 văn phòng khu vực tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Thái Nguyên… Các văn phòng này chịu sự quản lý trực tiếp về nhân sự, tài chính và hoạt động kiểm toán. Chẳng hạn, văn phòng khu vực Kinh-Tân-Ký tại Thiên Tân phụ trách kiểm toán 3 tỉnh Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc, trong khi văn phòng tại Thái Nguyên giám sát Sơn Tây và Nội Mông. Hệ thống kiểm toán địa phương, với 32 sở kiểm toán cấp tỉnh, 442 cơ quan cấp thành phố và 2.687 cơ quan cấp huyện, hoạt động dưới sự chỉ đạo của KTNN Trung Quốc và chính quyền địa phương. Tổng nhân sự của KTNN Trung Quốc tại trụ sở trung ương là khoảng 4.000 người, nhưng nếu tính cả các cơ quan kiểm toán địa phương, con số này lên tới khoảng 100.000 người, phản ánh quy mô và tính chuyên nghiệp của hệ thống kiểm toán Trung Quốc.
Trách nhiệm và thế mạnh của KTNN Trung Quốc
KTNN Trung Quốc đảm nhận nhiều trách nhiệm quan trọng, từ kiểm toán ngân sách, tài sản nhà nước, đến giám sát việc thực hiện các chính sách quốc gia lớn. Cơ quan này chịu trách nhiệm lập báo cáo kiểm toán hàng năm trình lên Ủy ban Trung ương Đảng, Quốc vụ viện và Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, đồng thời công bố kết quả kiểm toán theo quy định pháp luật. Ngoài ra, KTNN Trung Quốc còn thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo, kiểm toán tài nguyên thiên nhiên và điều tra các vấn đề tài chính cụ thể.
Một số lĩnh vực mà KTNN Trung Quốc có thế mạnh nổi bật bao gồm: kiểm toán trách nhiệm kinh tế trong nhiệm kỳ của cán bộ lãnh đạo cấp cao; kiểm toán môi trường (Chủ tịch Nhóm làm việc về kiểm toán môi trường của ASOSAI); kiểm toán dữ liệu lớn (Chủ tịch Nhóm làm việc về kiểm toán dữ liệu lớn của INTOSAI); và kiểm toán nợ công (thành viên Nhóm làm việc của INTOSAI). Những kinh nghiệm này đã giúp KTNN Trung Quốc khẳng định vị thế trong cộng đồng kiểm toán quốc tế, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng các chuẩn mực kiểm toán tiên tiến.
Trong hoạt động hợp tác quốc tế, KTNN Trung Quốc duy trì quan hệ với hơn 150 quốc gia, ký thỏa thuận hợp tác với hơn 30 cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. Tại Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI), KTNN Trung Quốc từng giữ vai trò Chủ tịch Ban điều hành (2013-2016) và hiện là Chủ tịch Nhóm làm việc về kiểm toán dữ liệu lớn. Trong khuôn khổ ASOSAI, cơ quan này đảm nhận vị trí Tổng Thư ký nhiệm kỳ 2018-2021 và 2021-2024, đồng thời là Chủ tịch Nhóm làm việc về kiểm toán môi trường, thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực châu Á.
Hợp tác giữa KTNN Việt Nam và KTNN Trung Quốc
Mối quan hệ hợp tác giữa KTNN Việt Nam và KTNN Trung Quốc được khởi đầu bằng Bản ghi nhớ hợp tác ký kết vào tháng 3/2004, đặt nền móng cho sự gắn kết chặt chẽ giữa hai cơ quan. Trong suốt hai thập kỷ qua, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm, đào tạo và tổ chức hội thảo chung, góp phần nâng cao năng lực kiểm toán và thúc đẩy hợp tác song phương.
Từ năm 2009 đến 2019, KTNN Việt Nam thường xuyên cử cán bộ tham gia các hội thảo do KTNN Trung Quốc tổ chức, như Hội thảo Kiểm toán an sinh xã hội (2009), Hội thảo Kiểm toán môi trường INTOSAI (2010), hay Hội thảo ASOSAI về Kiểm toán nợ công (2011). Các đoàn công tác của KTNN Việt Nam cũng đã đến Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm về tổ chức cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin và kiểm toán trách nhiệm kinh tế. Ngược lại, KTNN Trung Quốc cử nhiều đoàn lãnh đạo thăm và làm việc tại Việt Nam, điển hình là chuyến thăm của bà Chen Qiang năm 2012 để chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tham nhũng, hay chuyến thăm của Tổng KTNN Hồ Trạch Quân năm 2018 tham dự Đại hội ASOSAI 14 tại Hà Nội.
Giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai bên tạm hoãn các hoạt động trực tiếp nhưng vẫn duy trì hợp tác qua hình thức trực tuyến, như Hội thảo chung lần thứ năm về “Dữ liệu lớn trong kiểm toán công” (tháng 10/2021). Đến năm 2023-2024, hợp tác song phương được nối lại với các sự kiện nổi bật như Hội thảo chung lần thứ sáu về “Kiểm toán quản lý, điều hành vận tải công cộng” (tháng 10/2023) và khóa đào tạo về kiểm toán công nghệ thông tin tại Trung Quốc (tháng 12/2024).
Hợp tác kiểm toán giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục được củng cố khi Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn hội đàm với Tổng KTNN Hầu Khải tại Trung Quốc ngày 17/3/2025, đây dịp kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao - là thời điểm quan trọng để đẩy mạnh quan hệ song phương trong lĩnh vực kiểm toán công. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác lần thứ tư và tổ chức Hội thảo chung lần thứ bảy về chuyển đổi số trong kiểm toán. Cũng trong chương trình làm việc, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn đã làm việc với Cục Kiểm toán Trùng Khánh và Thị trưởng Hồ Hoành Hoa, nhằm mở rộng mạng lưới hợp tác. Những bước đi này thể hiện cam kết chung trong nâng cao năng lực kiểm toán, góp phần quản lý tài chính minh bạch và bền vững.
Hành trình phát triển của KTNN Trung Quốc cùng quan hệ hợp tác với KTNN Việt Nam là minh chứng cho nỗ lực không ngừng trong hoàn thiện hệ thống kiểm toán công. Sự gắn kết này không chỉ thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASOSAI và INTOSAI. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác kiểm toán Việt Nam - Trung Quốc hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới, hướng tới mục tiêu chung vì lợi ích khu vực và quốc tế./.