Nâng cao hiệu quả công tác rà soát, phát hành báo cáo kiểm toán lĩnh vực ngân sách địa phương

(sav.gov.vn) - Đầu năm 2025, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức tọa đàm nhằm thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả rà soát và phát hành Báo cáo kiểm toán (BCKT) lĩnh vực ngân sách địa phương. Tham luận từ Phòng Ngân sách địa phương (Vụ Tổng hợp) cùng ý kiến từ KTNN khu vực, các vụ tham mưu và đơn vị được kiểm toán đã làm rõ thực trạng, hạn chế và định hướng cải tiến. Các giải pháp đề xuất, từ phân cấp rà soát, ứng dụng công nghệ đến tăng cường phối hợp và đào tạo, hướng tới quy trình khoa học, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán và quản lý ngân sách địa phương hiệu quả hơn.

Thực trạng công tác rà soát, phát hành BCKT

Phát hành BCKT là khâu cuối cùng hoàn thiện kết quả kiểm toán trước khi gửi tới các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán. Với đặc thù “lồng ghép” của ngân sách địa phương - nơi đan xen giữa các cấp ngân sách và nhiều lĩnh vực như thu, chi thường xuyên, chi đầu tư - công tác này đòi hỏi sự khẩn trương, khoa học và logic. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình rà soát và phát hành vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Theo quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-KTNN ngày 18/3/2022, Vụ Tổng hợp có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát dự thảo BCKT dựa trên các ý kiến thẩm định, kết luận của Tổng KTNN và phản hồi từ đơn vị được kiểm toán. Dù vậy, thời gian hoàn thiện BCKT thường kéo dài, từ một tuần trong trường hợp nhanh nhất đến hơn một tháng trong trường hợp chậm trễ nhất. Nguyên nhân chính xuất phát từ cả phía đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và Vụ Tổng hợp.

Về phía đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, hồ sơ trình phát hành thường thiếu các tài liệu quan trọng như biên bản họp thông qua kết quả kiểm toán, phụ lục tiếp thu ý kiến, hoặc văn bản giải trình của đơn vị được kiểm toán. Nhiều báo cáo chưa được chỉnh sửa phù hợp với tài liệu bổ sung, trong khi lý do điều chỉnh kiến nghị - đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến kiểm điểm trách nhiệm - chưa rõ ràng, thiếu thuyết phục. Sự phối hợp giữa Đoàn kiểm toán và Vụ Tổng hợp cũng chưa hiệu quả, do thiếu đầu mối chỉnh sửa hoặc thông tin trao đổi không nhất quán.

Về phía Vụ Tổng hợp, số lượng BCKT thường dồn vào một thời điểm, gây áp lực lớn trong khi nhân sự có hạn. Quan điểm rà soát giữa Vụ và Đoàn kiểm toán đôi khi chưa đồng nhất, dẫn đến việc phải trao đổi nhiều lần, đặc biệt khi có chỉ đạo từ lãnh đạo KTNN yêu cầu hoàn thiện thêm.

Giải pháp đề xuất

Để khắc phục những khó khăn trên và đảm bảo BCKT được phát hành đúng hạn, chất lượng cao, Phòng NSĐP (Vụ Tổng hợp) đã đề xuất một số giải pháp cụ thể:

Phân cấp rà soát cho KTNN khu vực: Giao Kiểm toán trưởng KTNN khu vực chịu trách nhiệm rà soát ý kiến tham mưu và đơn vị được kiểm toán, đồng thời đề xuất giữ nguyên hoặc điều chỉnh dự thảo BCKT.

Đoàn kiểm toán và KTNN khu vực phải giải trình rõ lý do, căn cứ điều chỉnh, đảm bảo tính nhất quán giữa đánh giá và kiến nghị.

Vụ Tổng hợp tập trung rà soát các thay đổi trọng yếu, trong khi Đoàn kiểm toán chịu trách nhiệm chỉnh sửa các lỗi nhỏ.

Ứng dụng công nghệ thông tin: Tăng cường sử dụng công nghệ để cập nhật kịp thời kết quả kiểm toán và kiến nghị, hỗ trợ lãnh đạo KTNN đưa ra chỉ đạo nhanh chóng.

Nâng cao năng lực cán bộ: Tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng tổng hợp và rà soát cho cán bộ Đoàn kiểm toán cũng như các phòng chuyên môn.

Kiểm soát chất lượng trình bày BCKT: Đảm bảo BCKT tuân thủ mẫu biểu quy định, phù hợp giữa đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Chia sẻ kinh nghiệm toàn ngành: Khuyến khích trao đổi, học hỏi các cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác lập và phát hành BCKT giữa các đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực.

Công tác rà soát, phát hành BCKT lĩnh vực ngân sách địa phương không chỉ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị mà còn cần những cải tiến mang tính hệ thống. Các giải pháp được đề xuất tại tọa đàm là bước khởi đầu để KTNN hoàn thiện quy trình này, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý ngân sách địa phương. Những ý kiến đóng góp từ buổi thảo luận sẽ là cơ sở quan trọng để ngành kiểm toán tiếp tục đổi mới và phát triển./.

Huyền Ngọc