Cuộc kiểm toán đầu tiên tập trung vào khả năng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, Bộ Nghề cá và Đại dương Canada và Công viên Canada đáp ứng các mốc thời gian theo quy định tại "Luật về các loài có nguy cơ" trong việc xây dựng tài liệu cần thiết để hỗ trợ phục hồi các loài động vật hoang dã có nguy cơ bị đe dọa. Cuộc kiểm toán cũng kiểm tra việc đạt được các mục tiêu đặt ra trong các chiến lược phục hồi và kế hoạch quản lý.
Nhìn chung, phát hiện của OAG cho thấy 3 tổ chức lập kế hoạch và báo cáo về việc phục hồi các loài có nguy cơ bị đe dọa còn chậm và thiếu sót, đồng thời chưa đến một nửa số loài có đủ dữ liệu đạt được các mục tiêu. Điều này có nghĩa là 416/520 loài có nguy cơ đã được đánh giá lại từ năm 1982 không thay đổi về tình trạng hoặc đã chuyển sang nhóm có nguy cơ cao hơn.
Cuộc kiểm toán cũng phát hiện tồn đọng số lượng lớn báo cáo tiến độ về trách nhiệm giải trình của các bộ phận và hiệu quả các hành động được thực hiện. Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada mới chỉ hoàn thành 1/399 báo cáo tiến độ mà Bộ này có trách nhiệm xây dựng. Nếu không có sự giám sát liên tục này, chính phủ có thể bỏ lỡ các cơ hội giúp cải thiện tình trạng cho các loài.
Cuộc kiểm toán thứ hai cũng tập trung vào các loài có nguy cơ. OAG đã xem xét liệu chính phủ liên bang có hành động khẩn cấp nào khi cần thiết để bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng trên các vùng đất không thuộc liên bang hay không.
Báo cáo phát hiện Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada đã không chủ động cung cấp cho Bộ trưởng tham vấn kịp thời về việc sử dụng các quyền hạn khẩn cấp theo chức năng, nhiệm vụ. Quyền hạn trong Luật về các loài có nguy cơ cho phép chính phủ liên bang can thiệp khi các tỉnh và vùng lãnh thổ không bảo vệ hiệu quả các loài có nguy cơ và môi trường sống của chúng trên các vùng đất không thuộc liên bang. Kể từ khi đạo luật có hiệu lực gần 20 năm trước, đã có 3 lệnh khẩn cấp được ban hành và tất cả đều là kết quả của áp lực từ bên ngoài. Chính phủ liên bang có quyền can thiệp khi có mối đe dọa khẩn cấp đối với một loài, nhưng lại thiếu sáng kiến và chính sách để hướng dẫn cụ thể. Do đó, các hành động của Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu của Canada không phản ánh tính cấp bách của cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học trên toàn thế giới.
Cuộc kiểm toán thứ ba tập trung vấn đề rừng và biến đổi khí hậu. Chính phủ liên bang đã phát động Chương trình 2 tỷ cây xanh để chống lại biến đổi khí hậu, tăng cường đa dạng sinh học và hỗ trợ sức khỏe con người. OAG nhận thấy với số lượng cây đã được trồng cho đến nay, chương trình này khó có thể thành công trừ khi có những thay đổi đáng kể. Mặc dù Bộ Tài nguyên thiên nhiên Canada gần đạt được mục tiêu trồng 30 triệu cây vào năm 2021, nhưng Bộ đã không đạt được mục tiêu 60 triệu cây vào năm 2022. Sự chậm trễ trong việc ký kết thỏa thuận với các đối tác trồng rừng không chỉ thách thức đáng kể đến khả năng của bộ trong việc trồng số lượng cây đã lên kế hoạch cho năm 2022 mà sự chậm trễ còn ảnh hưởng đến những năm tiếp theo, vốn có nhiều mục tiêu tham vọng hơn. OAG cũng nhận thấy Bộ Tài nguyên thiên nhiên Canada, khi phối hợp với Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, đã không cung cấp một bức tranh rõ ràng và đầy đủ về vai trò của rừng Canada trong việc phát thải khí nhà kính. Ví dụ như ước tính lượng phát thải thay đổi đáng kể trong các báo cáo qua các năm do các dữ liệu cập nhật. Điều này đã thay đổi việc liệu về vấn đề rừng có được báo cáo là phát thải ròng hay là tổng thải, vì vậy gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định sáng suốt.
Cuộc kiểm toán tiếp theo đã kiểm tra xem Văn phòng Tổng Giám đốc các Tổ chức Tài chính Canada (OSFI) đã tích hợp các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu vào các hệ thống và khuôn khổ quản lý rủi ro cho các tổ chức tài chính và kế hoạch lương hưu do liên bang quản lý hay chưa. OAG cho biết, mặc dù OSFI gần đây đã đạt được những tiến bộ có ý nghĩa trong việc tích hợp những rủi ro này vào khuôn khổ giám sát, nhưng còn phải mất nhiều năm nữa để triển khai đầy đủ. Ngoài ra, OSFI không cho rằng mình trách nhiệm chính của mình là phải thúc đẩy các mục tiêu khí hậu rộng lớn hơn của Canada. Vì vậy, OSFI cần xem xét cách điều chỉnh vai trò của mình để thúc đẩy hơn nữa cách tiếp cận toàn chính phủ của Canada đối với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Điều đáng khích lệ là OSFI và cộng đồng giám sát tài chính quốc tế đã nhận ra biến đổi khí hậu gây rủi ro cho các tổ chức tài chính và hệ thống tài chính rộng lớn hơn và họ đang có bước tiến trong việc giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, hành động đã không kịp thời và hiện nay ở tình trạng khẩn cấp.
Báo cáo tiếp theo là cuộc kiểm toán giảm phát thải thông qua các quy định về khí nhà kính. KTNN Canada thấy rằng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada không biết mức độ mà các quy định về khí nhà kính mà OAG kiểm tra đã góp phần đáp ứng mục tiêu giảm phát thải chung của Canada.
Với những báo cáo gần đây nhất này, một lần nữa, danh sách các sai sót lại dài hơn. Không giống như tính chất ngắn hạn của một đại dịch, các cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học kéo dài, ngấm ngầm và thường bị bỏ qua vì tác động của chúng chủ yếu chỉ trở nên rõ ràng trong thời gian dài. Chính phủ đã đưa ra một loạt các công cụ chính sách để bảo vệ động vật hoang dã tốt hơn, khôi phục môi trường sống, giảm khí thải nhà kính và chuẩn bị tốt hơn cho biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa vì lợi ích của công dân, vì thiên nhiên và vì các thế hệ tương lai./.
(Bản tin quốc tế số 148 của Vụ HTQT)