Latvia: Kiểm toán việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững

Văn phòng Kiểm toán nhà nước Cộng hòa Latvia (SAO) vừa hoàn thành một cuộc kiểm toán xem xét quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc tại quốc gia này. SAO nhận định, Latvia có thể bỏ lỡ cơ hội tiến bộ về tính bền vững, phúc lợi xã hội và khả năng cạnh tranh quốc tế.  

Nhiều thiếu sót trong thực hiện các mục tiêu

SDG là công cụ các quốc gia có thể sử dụng để đánh giá sự phát triển trên quy mô toàn cầu, để xác định điểm yếu và cải thiện chúng trong dài hạn, giúp cân bằng các nhu cầu phát triển và ngày càng nâng cao mức sống của người dân. Latvia đã cam kết thực hiện SDG cách đây 7 năm, tuy nhiên SAO cho rằng, cần có những cải tiến đáng kể ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh để thực sự đạt được các mục tiêu; cần xác định quản lý và phối hợp tích cực hơn để tích hợp các SDG vào hệ thống lập kế hoạch ngân sách và phát triển, phổ biến các mục tiêu này và thu hút sự tham gia của các bên liên quan cũng như giám sát tiến độ thực hiện. 

SAO đã công bố một báo cáo và cho biết, quá trình hướng tới SDG của Latvia chưa khai thác được nhiều tiềm năng để phát triển bền vững và cải thiện phúc lợi xã hội, cũng như chưa nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh quốc tế. Các hành động được thực hiện ở Latvia cho đến nay vẫn còn rời rạc. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Latvia có thể đạt được 30% hoặc chỉ đạt được 18% mục tiêu phụ của SDG vào năm 2030. Hiện, Latvia có một số vấn đề khiến việc đạt được các chỉ số SDG còn rất xa.

Các mục tiêu ảnh hưởng đến mọi người dân, ngành, chính quyền địa phương và khu vực nhưng Latvia chưa có biện pháp toàn diện để phổ biến các mục tiêu trong xã hội cũng như lồng ghép chúng vào các hệ thống lập kế hoạch ngân sách và phát triển. Ở Latvia, việc quản lý, thực hiện SDG không được giao trực tiếp cho các đơn vị theo luật định; các Bộ, ngành, địa phương và khu vực, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác không tham gia đầy đủ vào việc thực hiện SDG. Sự tham gia của công chúng cũng chưa được khai thác triệt để; không có cách tiếp cận thường xuyên và hệ thống giúp công chúng hiểu biết về tầm quan trọng của SDG.

Liên hợp quốc từng đưa ra khuyến nghị, bước đầu tiên khi làm việc với SDG là đánh giá mối liên hệ giữa các mục tiêu trong các tài liệu quy hoạch phát triển của Latvia. Tuy nhiên, Latvia chưa thực hiện đánh giá này; thông tin còn thiếu hoặc chưa đầy đủ. Tất cả các mục tiêu phụ không được đưa vào tài liệu quy hoạch phát triển của quốc gia. Do đó, cả những người hoạch định và thực thi chính sách cũng như công chúng đều không được tiếp cận thông tin có giá trị đầy đủ về các mục tiêu phụ của SDG; ngoài ra, Latvia vẫn chưa xác định được các mục tiêu cần ưu tiên đạt được.
 
Cần tăng cường năng lực của chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương và khu vực đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được SDG. Ở Latvia, ít nhất 53% chức năng của thành phố có liên quan đến SDG. Thông lệ quốc tế đã công nhận chính quyền địa phương và vùng là cấp chính quyền có khả năng gắn kết tốt nhất các mục tiêu toàn cầu với cộng đồng địa phương. Theo Liên hợp quốc, có tới 65% trong số 169 mục tiêu phụ của SDG liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tại Latvia, tầm quan trọng của địa phương trong việc thực hiện SDG không được đánh giá đầy đủ và chưa có biện pháp tăng cường năng lực của các chính quyền.

Trong quá trình thực hiện SDG, việc đánh giá thường xuyên tiến độ thực hiện SDG và điều chỉnh các hoạt động là rất cần thiết. Tuy nhiên, Latvia đang thiếu công tác giám sát thường xuyên và có hệ thống về tiến độ của SDG. SAO cho rằng, hiện tại không có điều kiện tiên quyết nào để đảm bảo giám sát đầy đủ tiến độ đạt được các mục tiêu ở Latvia. Ngoài ra, Latvia cũng đang phải đối mặt với những thách thức về tính sẵn có của dữ liệu cần thiết để đánh giá tiến độ SDG cả ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ có 57% chỉ số tiến độ SDG có sẵn để đo lường ở Latvia.

Từ những phát hiện trên, SAO đã đưa ra một số khuyến nghị cho các Bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương và khu vực của Latvia nhằm nâng cao hiểu biết chung về tầm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030 và để tạo điều kiện hoàn thành các điều kiện tiên quyết giúp đạt được các SDG./.
               
Tuệ Lâm theo lrvk.gov.lv và tổng hợp.
(Báo Kiểm toán số 21/2023)