Thụy Điển: Hoàn thiện chính sách tài khóa góp phần ổn định kinh tế

Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAO) Thụy Điển vừa qua đã kiểm toán việc Chính phủ áp dụng khung chính sách tài khóa trong năm 2022 và chỉ ra một số thiếu sót lớn cần được xem xét, điều chỉnh.

Bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách

NAO đã đưa ra một số đánh giá, đặc biệt nhấn mạnh chính sách tài khóa trong năm 2022 của Chính phủ đã không bám sát khung chính sách tài khóa được thông qua trước đó. Một số báo cáo của Chính phủ liên quan đến chính sách tài khóa thiếu tính chặt chẽ và chưa thực sự minh bạch.

Theo NAO, việc Chính phủ thay đổi cơ bản phương pháp đánh giá việc cân đối thu chi ngân sách là đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên Chính phủ lại không báo cáo về sự thay đổi này, cũng như không vạch ra những rủi ro có thể xảy ra. Trong khi đó, sự thay đổi này có tác động lớn đến việc thực hiện chính sách tài khóa đã được hoạch định, vậy nhưng điều này không được Chính phủ quan tâm và thể hiện rõ.

Sự thay đổi này cũng ảnh hưởng đến việc vạch ra định hướng của chính sách tài khóa. Vấn đề này có vai trò rất quan trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến sự tương tác với chính sách tiền tệ. Hai chính sách này tương tác, bổ trợ nhau và cùng theo đuổi mục tiêu ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Cuộc kiểm toán cho thấy, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ chưa áp dụng các phương pháp mới tương ứng, có nghĩa là các phương pháp Chính phủ và các cơ quan này sử dụng để đánh giá cơ cấu cân đối ngân sách hiện có sự khác biệt đáng kể.

Ngoài ra, Chính phủ chưa chỉ rõ sự khác biệt khi tiến hành đánh giá các dự báo liên quan đến cơ cấu thu chi ngân sách. Trong khi đó, việc so sánh, dự báo là rất quan trọng, đặc biệt cho phép Quốc hội đưa ra đánh giá về dự báo của Chính phủ.

Cũng theo NAO, mặc dù định hướng chính sách trung lập tài khóa không vi phạm khung chính sách tài khóa nhưng báo cáo của Chính phủ chưa được rõ ràng khi đề xuất chính sách trung lập tài khóa trong tình hình kinh tế đang suy yếu. Đại diện NAO cho rằng: “Chính phủ chưa chỉ ra cơ sở để thực hiện chính sách trung lập tài khóa. Chúng tôi cho rằng, khi lạm phát tăng cao, cần chú trọng hơn đến sự tương tác giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo không vi phạm nguyên tắc của khung chính sách tài khóa. Hiện, việc mô tả sơ sài về sự tương tác giữa 2 chính sách này khiến việc đánh giá sự phù hợp của định hướng chính sách tài khóa trở nên khó khăn”.

Năm 2022, Chính phủ Thụy Điển đã tăng đáng kể mức trần chi tiêu cho giai đoạn 2023-2025. Chính phủ cho rằng, việc tăng mức trần chi tiêu giúp thực hiện các kế hoạch cải cách ưu tiên và đảm bảo biên độ đủ lớn cho các rủi ro lớn, bất thường trong chính sách tài khóa. Tuy nhiên, NAO đánh giá mức tăng không tương thích với khuôn khổ chính sách tài khóa.  

Tiếp tục hoàn thiện chính sách tài khóa

Qua cuộc kiểm toán, NAO Thụy Điển đã đưa ra một số kiến nghị đối với Chính phủ. Theo đó, NAO cho rằng, Chính phủ cần chủ động đảm bảo các biện pháp cân đối thu chi ngân sách nhà nước; tiếp tục xem xét, điều chỉnh, tạo điều kiện để không chỉ Chính phủ mà các cơ quan quản lý tài chính quốc gia và Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia có phương pháp, công cụ đắc lực trong việc cân đối ngân sách công. NAO nhấn mạnh, việc Chính phủ tuân thủ khuôn khổ chính sách tài khóa đã đặt ra là điều kiện tiên quyết để có một chính sách tài khóa minh bạch và bền vững trong dài hạn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có hành động cụ thể để nâng cao tính minh bạch liên quan đến các định hướng của chính sách tài khóa, các dự luật chính sách tài khóa; cần làm rõ những cơ sở, lý do của việc đưa ra các định hướng của chính sách tài khóa, những ưu điểm, nhược điểm của những chính sách mới...

Theo NAO, Chính phủ cần cải thiện một số điểm trong các dự luật chính sách tài khóa, đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tiết kiệm, tăng cường kỷ luật trong lập dự toán và thực hiện dự toán; đồng thời xem xét trong những trường hợp cụ thể nào cần hạ mức trần chi tiêu cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Điển cần chú trọng hơn đến việc xây dựng các quy định về chính sách tài khóa, phải tính đến hiệu quả khi tương tác với chính sách tiền tệ liên quan. Đây là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia, dù mỗi chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng, song đều hướng tới mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời có mối quan hệ tương tác lẫn nhau cả trong ngắn hạn và dài hạn./.

(Theo riksrevisionen.se và tổng hợp)