Ngân sách cứu trợ chưa được sử dụng hợp lý
Trong thời kỳ Covid-19 bùng phát, EU đã có các biện pháp khẩn trương giúp các quốc gia trên toàn Liên minh được nhận hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, việc phân bổ khẩn cấp những khoản kinh phí khổng lồ, lên tới 712 triệu euro (780,22 triệu USD), đã tạo kẽ hở cho nhiều sai sót xảy ra. Nhiều người dân ít bị ảnh hưởng đã nhận được những khoản hỗ trợ về tài chính, lương thực, thuốc men cao quá mức trong khi nhiều người khác có nhu cầu cấp thiết lại chưa được hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực như ngành công nghiệp sản xuất rượu vang, EU đã đưa ra một số biện pháp giúp các doanh nghiệp sử dụng ngân sách được hỗ trợ để duy trì hoạt động, vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, các biện pháp này được đánh giá là quá phức tạp dẫn đến việc chi tiêu ngân sách không hiệu quả.
ECA cho biết, 9 trong số 14 quốc gia thành viên sử dụng quỹ hỗ trợ trực tiếp của EU. Các nước này hỗ trợ cho mọi lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và hỗ trợ cho tất cả các đối tượng dù mức độ họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch là không đáng kể. Nhận thấy sự bất cập này, ECA cho rằng, công tác hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn nếu các quốc gia tiến hành đánh giá và đưa ra các mức hỗ trợ phù hợp cho từng ngành, từng đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Covid-19 đã tác động đến chuỗi cung ứng nông sản, đòi hỏi nhà nước có các biện pháp khẩn cấp như: Hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, các biện pháp can thiệp nhằm ổn định thị trường. Tuy nhiên, các kiểm toán viên cho rằng, EU chưa đưa ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể để dùng ngân sách một cách hiệu quả nhằm đối phó với mối đe dọa gây ra cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp.
Cần sử dụng nguồn tài trợ cho giáo dục hiệu quả hơn
Trong một báo cáo khác, ECA chỉ ra rằng, tài trợ của EU cho công tác số hóa tại các trường học chưa xứng với tiềm năng; mục tiêu cung cấp kết nối internet nhanh cho tất cả các trường học vào năm 2025 của EU tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ECA, từ năm 2014 đến năm 2026, EU lên kế hoạch giải ngân những khoản tiền lớn thông qua nhiều chương trình để hỗ trợ cho việc giáo dục kỹ thuật số. Tuy nhiên, ngân sách của EU để hỗ trợ những nỗ lực nhằm cải thiện công tác số hóa trong các trường học không có tác động đầy đủ.
Để kiểm toán quá trình số hóa trường học, các kiểm toán viên đã đi kiểm toán thực địa tại 6 quốc gia thành viên (Đức, Hy Lạp, Croatia, Italya, Áo, Ba Lan) và phát hiện rằng, các khoản do EU tài trợ có thể có tác động lớn hơn nếu chúng được lồng ghép tốt hơn vào các chiến lược quốc gia hoặc khu vực.
ECA cũng nhận thấy việc thiếu cách tiếp cận chung trong sử dụng các công nghệ mới gây cản trở việc khai thác hết tiềm năng của công tác số hóa trong trường học. Năm 2016, Ủy ban châu Âu đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ giúp các quốc gia thành viên kết nối các trường học với internet tốc độ cao; cho phép các trường học sử dụng thiết bị công nghệ thông tin tiên tiến nhất cũng như áp dụng các cách dạy và học sáng tạo.
Tuy nhiên, năm 2022, chỉ một số ít trường học có thể thực sự sử dụng kết nối tốc độ cao. Không những thế, Ủy ban châu Âu không có dữ liệu toàn diện về tổng số tiền tài trợ EU đã chi cho việc số hóa của các trường học. Chỉ một số quốc gia đánh giá kết quả họ đã đạt được với sự hỗ trợ tài chính của EU để cải thiện giáo dục kỹ thuật số trong trường học.
Ông Pietro Russo - thành viên ECA - cho biết: “Hệ thống trường học ở hầu hết các quốc gia thành viên chưa được chuẩn bị tốt cho việc giảng dạy từ xa... Điều này là do sự kết nối mạng internet không đầy đủ trong các trường học; do việc thiếu thiết bị kỹ thuật số cho học sinh và giáo viên. EU có các kế hoạch đầy tham vọng cho giáo dục kỹ thuật số và có thể giúp các trường học sử dụng công nghệ nhiều hơn, tuy nhiên tài trợ của EU cần được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn”.
ECA công bố 2 báo cáo trên nhằm giúp EU và Ủy ban châu Âu cải thiện công tác quản lý, sử dụng ngân sách trong tương lai. ECA cũng hy vọng EU và các quốc gia thành viên nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai cũng như thường xuyên sử dụng ngân sách của Liên minh tiết kiệm và hiệu quả nhất./.
(Theo foodingredientsfirst và ECA)