Công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động hợp tác
Công cụ Hợp tác quốc tế, phát triển và khu vực lân cận châu Âu toàn cầu (NDICI) với ngân sách 79,5 tỷ euro (từ năm 2021 đến 2027), đã chi trả hơn 70% các khoản chi tiêu của EU cho hoạt động hợp tác bên ngoài.
NDICI đã được thông qua vào tháng 6/2021, hợp nhất một số công cụ được sử dụng để thực hiện các kế hoạch hợp tác với đối tác bên ngoài. Các chương trình tài trợ có thời hạn 7 năm (2021-2027) nhưng tiền của EU chỉ được phân bổ trong 4 năm đầu tiên, phần còn lại sẽ được phân bổ sau khi thực hiện đánh giá giữa kỳ.
Quá trình xây dựng chương trình NDICI bao gồm các khâu thiết kế và thực hiện các chương trình tập trung nhiều năm của quốc gia, khu vực và theo chủ đề cho các nước.
Đến tháng 12/2022, Ủy ban châu Âu đã thông qua chương trình tập trung nhiều năm cho 102 quốc gia đối tác, 5 khu vực (châu Phi cận Sahara, Vùng lân cận phía Nam, Vùng lân cận phía Đông, châu Á/Thái Bình Dương, châu Mỹ và Caribe), 4 chương trình theo chủ đề và một chương trình tập trung nhiều năm khác cho chương trình Erasmus+ (hỗ trợ giáo dục, đào tạo và thể thao cho giới trẻ châu Âu).
Các phân tích về tình hình, nhu cầu của các quốc gia đối tác đã được thảo luận với nhiều bên liên quan, từ chính phủ của các nước đối tác, đại diện các quốc gia thành viên đến các tổ chức xã hội dân sự và đại diện của khu vực tư nhân. Các phân tích rất toàn diện và đã bao gồm các nội dung quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường.
Các chương trình phân bổ theo địa lý được thiết kế toàn diện đã giải quyết nhiều nhu cầu của các quốc gia đối tác và các ưu tiên của EU, tuy nhiên, cuộc kiểm toán của Tòa Thẩm kế châu Âu cho rằng, chính phạm vi rộng của các chương trình lại có thể làm hạn chế tác động của chúng.
Nhiều hạn chế, thiếu sót được chỉ ra
Tòa Thẩm kế châu Âu phát hiện vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế trong lĩnh vực này, phạm vi quốc gia không được tính toán đầy đủ, chặt chẽ và các chương trình không có các chỉ số chung để có thể đo lường tiến độ thực hiện.
Hoạt động đối ngoại của EU trước đây đã được thực hiện thông qua một số công cụ. Việc hợp nhất chúng thành một công cụ duy nhất là NDICI được kỳ vọng sẽ giúp gắn kết hơn, đơn giản hóa các thủ tục và làm rõ công tác chi tiêu.
Nhưng trên thực tế, các phương pháp khác nhau (định lượng, định tính) vẫn được sử dụng khi xây dựng phân bổ tài chính. Theo báo cáo, điều này không góp phần vào mục tiêu làm cho việc phân bổ quỹ hoạt động của EU trở nên minh bạch, nhất quán, có thể so sánh và toàn diện hơn.
Ngoài ra, báo cáo nhận thấy rằng khung giám sát khó có thể giúp đo lường kết quả trên thực tế. Trong số khoảng 700 chỉ số được lấy mẫu, hầu hết các chỉ số đều cụ thể, tuy nhiên việc sử dụng không nhất quán các chỉ số chung của EU sẽ gây khó khăn cho việc đo lường hoạt động.
Báo cáo cũng chỉ ra tình trạng thiếu bằng chứng cơ sở cho các mục tiêu và dữ liệu cơ bản. Hơn 1/5 chỉ số được lấy mẫu có cơ sở không rõ ràng hoặc hoàn toàn không có cơ sở; 1/4 chỉ số có mục tiêu không rõ ràng hoặc không có mục tiêu. Trong những trường hợp như vậy, hầu như không thể đánh giá được mức độ tham vọng của chương trình.
"Báo cáo kiểm toán khẳng định, vì công cụ NDICI sẽ định hình hầu hết các khoản viện trợ phát triển giữa EU và các kế hoạch hợp tác bên ngoài trong những năm tới, nên việc xây dựng công cụ này thật hoàn thiện là nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện phân phối ngân sách, giúp EU thu được nhiều hiệu quả hơn."
Tòa Thẩm kế cho rằng, các lĩnh vực ưu tiên được lựa chọn rất rộng, mang lại sự linh hoạt để thích ứng với các sự kiện không lường trước được. Tuy nhiên, phạm vi rộng này cũng có thể hạn chế trọng tâm tài trợ của EU và làm suy yếu tác dụng của chúng.
Các chương trình tập trung nhiều năm được thông qua muộn cũng không đảm bảo rằng các lĩnh vực can thiệp được lựa chọn là những lĩnh vực mà tài trợ của EU có thể đạt được tác động lớn./.
(Theo TCA và tổng hợp)