Công tác báo cáo hoạt động được cải thiện
Đạo luật Quản trị công, hiệu suất và trách nhiệm giải trình năm 2013 (Đạo luật PGPA) được coi là tài liệu lập kế hoạch chính, đặt ra các nghĩa vụ, yêu cầu cụ thể đối với việc báo cáo hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Những mục tiêu chính của việc xây dựng Đạo luật PGPA bao gồm: Cung cấp thông tin cần thiết cho Quốc hội và công chúng; đáp ứng các tiêu chuẩn cao về quản trị, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm giải trình.
"ANAO cho biết sẽ hoàn thiện các tài liệu, như: Sổ tay kiểm toán, Chiến lược kiểm toán; thông qua phản hồi từ các đơn vị trong ngành và các bên liên quan, tiếp tục hoàn thiện phương pháp kiểm toán thường niên báo cáo kết quả hoạt động của các tổ chức công."
Trong năm tài chính 2022-2023, ANAO đã tiến hành kiểm toán báo cáo hoạt động thường niên của 10 đơn vị, tăng 4 đơn vị so với năm 2021-2022. Cuộc kiểm toán của ANAO được thực hiện nhằm đánh giá báo cáo hiệu quả hoạt động hằng năm của các đơn vị có thể hiện công bằng hiệu quả hoạt động của đơn vị trong kỳ báo cáo không; đánh giá các báo cáo đó có được lập theo yêu cầu của Đạo luật PGPA không.
Kết quả cuộc kiểm toán cho thấy, 6 trong số 10 cơ quan được kiểm toán đã nhận được ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần, gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục, Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên, Bộ Dịch vụ Xã hội, Bộ Tài chính và Cơ quan Dịch vụ Australia. 4 đơn vị chưa nhận được ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần, gồm: Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp; Cục Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải, Phát triển khu vực, Truyền thông và Nghệ thuật; Bộ Cựu chiến binh; Bộ Y tế và Chăm sóc người cao tuổi. ANAO xác định, thông tin và báo cáo của các đơn vị này chưa đầy đủ, chưa đáng tin cậy để Chính phủ, các bên liên quan và công chúng có thể sử dụng.
Các cuộc kiểm toán năm 2022-2023 của ANAO cho thấy sự cải thiện trong công tác báo cáo hiệu quả hoạt động của đơn vị. So với các cuộc kiểm toán năm 2021-2022, vào năm 2022-2023, tỷ lệ các đơn vị không nhận được ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần đã giảm. ANAO cũng chỉ ra một số cải tiến trong quy trình hoạt động và sự cải thiện năng lực của các đơn vị trong việc xây dựng thông tin chất lượng, việc chuẩn bị báo cáo hoạt động hằng năm tuân thủ Đạo luật PGPA.
Tăng cường giám sát để đẩy mạnh công tác báo cáo
ANAO đánh giá, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động; đồng thời, báo cáo kết quả hoạt động hằng năm theo những cách khác nhau và mang lại những kết quả nổi bật khác nhau. ANAO khẳng định, việc duy trì sự giám sát chặt chẽ và báo cáo thường xuyên cho lãnh đạo đơn vị trong suốt năm tài chính sẽ giúp nâng cao tầm quan trọng, cải thiện chất lượng thông tin và báo cáo về hiệu quả hoạt động của các tổ chức công.
Báo cáo kiểm toán của ANAO đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị cần bổ sung thông tin tài chính và phi tài chính để tạo điều kiện thuận lợi giúp Chính phủ đánh giá xem các đơn vị có đạt được các mục tiêu chính sách không. Mỗi cơ quan công cần nâng cao trách nhiệm và tăng cường tính minh bạch về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực công. Đồng thời, cần theo dõi và thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động, xác định cơ hội để cải thiện các chương trình và dịch vụ mà Chính phủ cung cấp, cũng như hỗ trợ việc ra quyết định của Chính phủ.
ANAO khuyến khích các đơn vị báo cáo thông tin phù hợp và đáng tin cậy, cho phép người dùng thông tin có thể đánh giá chính xác, khách quan xem đơn vị có thực hiện tốt trách nhiệm không, thay vì chỉ báo cáo những thông tin chung chung. Cuộc kiểm toán đã chứng minh rằng, việc kiểm tra công tác báo cáo hoạt động hằng năm sẽ khiến các đơn vị đầu tư nhiều hơn vào nhiệm vụ lập kế hoạch, giám sát và báo cáo thông tin hoạt động chất lượng, liên tục.
ANAO khuyến nghị, các báo cáo kết quả hoạt động cần được cải thiện hơn nữa để có thể cung cấp đầy đủ thông tin, có ý nghĩa về kết quả hoạt động của các cơ quan chính phủ. Báo cáo hoạt động hằng năm cần tuân thủ các yêu cầu tối thiểu của Đạo luật PGPA, được coi là tiêu chuẩn cần thiết khi các tổ chức báo cáo về hiệu quả hoạt động của cơ quan.
ANAO cho biết thêm, từ năm tài chính 2023-2024 trở đi, ANAO sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực của Ngành, từ đó cung cấp thêm hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan công, có thể hỗ trợ các sáng kiến cải cách dịch vụ công của Australia trong việc đánh giá, quản lý và phân tích tác động đối với các tổ chức công. ANAO cũng sẽ tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính về cách thức áp dụng các quy tắc trong Đạo luật PGPA và kế hoạch kiểm toán báo cáo kết quả hoạt động của các cơ quan nhà nước./.
Thanh Xuyên (Theo ANAO và tổng hợp)