Kiểm toán nhà nước hỗ trợ đắc lực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội

(sav.gov.vn) - Đồng hành với sự đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát của Quốc hội, những năm qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thường xuyên cung cấp thông tin về kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời trực tiếp tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả vào hoạt động của các Đoàn giám sát.

Kênh thông tin tin cậy phục vụ hoạt động giám sát

Một trong những nhiệm vụ của KTNN liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội được quy định tại khoản 6 Điều 10 Luật KTNN năm 2015: “Tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước và chính sách tài chính khi có yêu cầu”.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm, bám sát các chuyên đề giám sát của Quốc hội, KTNN đã chủ động hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị kiểm toán chủ động xây dựng các cuộc kiểm toán gắn với các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội. Nhiều chuyên đề giám sát được KTNN tổ chức thực hiện thành các cuộc kiểm toán chuyên đề với phạm vi rộng, nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia. Trong xây dựng phương án kiểm toán hằng năm, KTNN luôn ưu tiên tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán gắn với các nội dung thuộc các chuyên đề giám sát của Quốc hội để kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin phục vụ các đoàn giám sát.

Một số chuyên đề đã được KTNN thực hiện trong những năm qua để phục vụ cung cấp thông tin số liệu cho hoạt động giám sát của Quốc hội như: “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”; “Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”…Với các chuyên đề kiểm toán này, KTNN đã cung cấp báo cáo kiểm toán, các hồ sơ tài liệu liên quan cho Đoàn giám sát và có Báo cáo chuyên đề gửi các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn giám sát.

Thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề, KTNN đã có nhiều phát hiện quan trọng, đưa ra các đánh giá sâu, rộng, toàn diện đối với những vấn đề có liên quan ở nhiều cơ quan quản lý, Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đồng thời chỉ ra những bất cập và sai sót điển hình… Qua đó, giúp các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có được cái nhìn tổng quan về các mặt làm được, tồn tại, hạn chế và lỗ hổng về cơ chế, chính sách đối với từng chủ đề được giám sát để đưa ra kiến nghị, giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách.

Bên cạnh đó, KTNN thực hiện công khai kết quả kiểm toán, cung cấp thông tin, tài liệu cho các đoàn giám sát của Quốc hội. Hằng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Các báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi báo cáo Quốc hội được công bố công khai và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của KTNN và được đông đảo cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm, chú ý. Việc công khai, minh bạch kết luận, kiến nghị, thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đã tạo điều kiện cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri và nhân dân thực hiện vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của chính quyền các cấp.

Báo cáo kiểm toán của KTNN được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện: Mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và dài hạn của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; chính sách về tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm toán luôn là kênh thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời để phục vụ Quốc hội, UBTVQH trong hoạt động giám sát.
 
Đoàn Giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” làm việc với KTNN

Tham gia tích cực, góp phần giám sát “đúng” và “trúng” trọng tâm

Một điểm đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thành lập các Đoàn giám sát đều có Lãnh đạo KTNN tham gia Đoàn với tư cách là thành viên khác. Thông qua việc tham gia hoạt động giám sát với vai trò là thành viên Đoàn giám sát, các đồng chí Lãnh đạo KTNN luôn nắm bắt đầy đủ thông tin để chỉ đạo các hoạt động kiểm toán của KTNN bám sát theo nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội. Đồng thời căn cứ vào các kết quả kiểm toán của KTNN các thành viên Đoàn giám sát thuộc KTNN có thể cung cấp thông tin, các vấn đề lưu ý đối với từng lĩnh vực cho Đoàn giám sát để giúp Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát “đúng”, “trúng”, đi vào chiều sâu đối với những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, bức xúc.

Trong vai trò thành viên Đoàn giám sát, Lãnh đạo KTNN cũng đã chỉ đạo các bộ phận giúp việc tham gia trong các nội dung theo yêu cầu của Đoàn. Căn cứ chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hằng năm, KTNN đã cử nhiều lượt công chức, lãnh đạo các đơn vị tham mưu, chuyên ngành, khu vực có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực cụ thể để cho ý kiến tham gia đối với các nội dung giám sát của Quốc hội, UBTVQH đồng thời trực tiếp tham gia vào các Tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Theo đó, KTNN đã tích cực tham gia và đóng góp các ý kiến có chất lượng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, nội dung đề cương giám sát của các Đoàn giám sát. Đồng thời căn cứ Kế hoạch chương trình giám sát, Đề cương giám sát của các Đoàn giám sát, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo toàn Ngành chủ động tổng hợp kết quả kiểm toán theo từng giai đoạn phù hợp với phạm vi, nội dung, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát và sẵn sàng tham gia phục vụ các Đoàn giám sát tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi có yêu cầu.

Thông qua những hoạt động và kết quả đóng góp thiết thực trên, KTNN đã phục vụ ngày càng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như phát huy vai trò của KTNN đối với hoạt động giám sát, trong thời gian tới, KTNN tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát của Quốc hội. KTNN tiếp tục bám sát yêu cầu giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hằng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước./.

Nguyễn Hồng