Thái Lan: Chia sẻ phương pháp tiếp cận hiện đại các hoạt động hướng dẫn và phòng ngừa trong công tác kiểm toán

(sav.gov.vn) - Vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thái Lan đã công bố một báo cáo nhằm chia sẻ với các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) về phương pháp tiếp cận hiện đại các hoạt động hướng dẫn và phòng ngừa trong công tác kiểm toán.

Vai trò quan trọng của hoạt động hướng dẫn, phòng ngừa

SAI Thái Lan cho rằng, trong một thế giới đầy biến động, các SAI đang ngày càng phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, trọng trách hơn, vượt ra ngoài vai trò truyền thống của tổ chức. Trong khi kiểm toán vẫn là chức năng cốt lõi, nhiều SAI đang tích hợp các hoạt động hướng dẫn và phòng ngừa vào công việc chung. Phương pháp tiếp cận hiện đại này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công và giảm thiểu những bất thường trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

KTNN Thái Lan đã dẫn chứng một nghiên cứu của Romania (quốc gia tại Đông Nam châu Âu) về các hoạt động hướng dẫn và phòng ngừa. Dựa trên nghiên cứu này, KTNN Thái Lan khuyến nghị các SAI cần tập trung đánh giá, xem xét những thay đổi, những vấn đề mới đang hình thành; nguyên nhân, cách thức, tác động của chúng đối với trách nhiệm giải trình và công tác quản trị.

Các SAI chủ yếu tập trung vào việc xác định và báo cáo những sai phạm, thiếu sót trong hoạt động của khu vực công. Tuy nhiên, việc chỉ ra các vấn đề là không đủ. Để tạo ra tác động đáng kể, nhiều SAI đã đưa ra vai trò cố vấn, nhấn mạnh vào hướng dẫn và phòng ngừa. Sự thay đổi này có nghĩa là SAI không chỉ là kiểm toán viên mà còn là cố vấn, giúp các cơ quan công quản lý nguồn lực hiệu quả hơn và tránh các rủi ro tiềm ẩn, nhằm tăng cường kỷ luật tài chính và cải thiện công tác quản trị.

KTNN Thái Lan chỉ ra một trong những thách thức quan trọng của phương pháp tiếp cận hiện đại này là duy trì tính độc lập của SAI. Theo chuẩn mực quốc tế do Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao thiết lập, SAI phải duy trì tính độc lập và tránh tham gia vào việc quản lý các đơn vị được kiểm toán. Tính độc lập này rất quan trọng để đảm bảo rằng các nội dung mà SAI tư vấn là khách quan, không thiên vị. Để cân bằng các vai trò này, SAI phải tách biệt các hoạt động tư vấn khỏi chức năng kiểm toán, giúp duy trì uy tín và hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Kinh nghiệm quốc tế về các thông lệ tốt nhất

Nhiều SAI trên thế giới đã tích hợp thành công các chức năng tư vấn, điều chỉnh phương pháp tiếp cận theo bối cảnh từng quốc gia. SAI Áo đã công bố các kiến nghị chung và tuyên bố lập trường về các vấn đề kiểm toán công, cung cấp hướng dẫn có giá trị căn cứ vào các phát hiện kiểm toán. SAI Đức ban hành hướng dẫn, tư vấn cụ thể cho các đơn vị được kiểm toán, giúp họ sớm giải quyết những thiếu sót. SAI Hungary tổ chức các hội thảo và tăng cường hoạt động tự đánh giá, thúc đẩy các thông lệ tốt nhất trong quản lý ngân sách. Những ví dụ này chứng minh rằng vai trò cố vấn giúp nâng cao đáng kể giá trị công việc của SAI và thúc đẩy quản trị khu vực công hiệu quả hơn.

KTNN Thái Lan nhấn mạnh, việc kết hợp hướng dẫn và phòng ngừa vào các hoạt động của SAI mang lại một số lợi thế. SAI đưa ra kiến nghị giúp các cơ quan công hoạt động hiệu quả hơn. Các biện pháp phòng ngừa giải quyết các rủi ro tiềm ẩn, giúp tiết kiệm tài nguyên và giảm gánh nặng cho các hành động khắc phục. Hơn nữa, vai trò cố vấn giúp phát triển tầm nhìn và giá trị của SAI, thể hiện cách thức SAI đóng góp vào việc cải thiện cuộc sống của người dân. Hướng dẫn của SAI có thể là một phần không thể thiếu đối với các cải cách khu vực công, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Để chính thức hóa vai trò cố vấn, một số quốc gia đã đưa ra những thay đổi về mặt lập pháp. SAI Romania đề xuất sửa đổi Luật quản lý Tòa Thẩm kế, nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động hướng dẫn và phòng ngừa. Những sửa đổi này nhấn mạnh, việc ngăn ngừa các vấn đề thường hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn so với việc giải quyết sau này.

Theo KTNN Thái Lan, khi SAI tiếp tục phát triển, vai trò cố vấn sẽ ngày càng quan trọng. Bằng cách kết hợp hướng dẫn và phòng ngừa vào hoạt động, SAI có thể tạo ra giá trị đáng kể, thúc đẩy quản trị tốt hơn và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững. Để áp dụng phương pháp tiếp cận hiện đại này, cần duy trì ranh giới rõ ràng giữa chức năng tư vấn và kiểm toán. Sự cân bằng này sẽ đảm bảo các SAI đáng tin cậy, độc lập, có thể thực hiện sứ mệnh tăng cường trách nhiệm giải trình và hiệu quả hoạt động của khu vực công. Qua đó, các SAI có thể đi đầu trong việc thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, giúp mang lại lợi ích cho toàn xã hội./.

(Theo KTNN Thái Lan)