Trong nội bộ và cả bên ngoài các tổ chức, doanh nghiệp, nhân sự các bộ phận kế toán, kiểm toán, tài chính có thể làm việc, phối hợp chặt chẽ với nhau và hợp tác với các bên liên quan khác trong phạm vi quyền hạn, lĩnh vực của họ nhằm tuân thủ các quy định về phòng, chống tham nhũng, đồng thời giúp lan tỏa văn hóa đạo đức về tính chính trực, minh bạch trong công tác quản trị.
Ông Gareth Brett - Giám đốc IFAC cho rằng: “Những rủi ro của các doanh nghiệp, tổ chức không ngừng thay đổi và gia tăng. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nhiều công nghệ hiện đại có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có thể tạo ra nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Ví dụ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang hỗ trợ đắc lực cho nhiều lĩnh vực kinh doanh đạt được hiệu quả cao hơn nhưng cũng có thể tạo điều kiện cho các hình thức tội phạm và tham nhũng mới nảy sinh. Do đó, điều quan trọng là cần liên tục xác định rủi ro; xác định các vấn đề liên quan; liên tục cập nhật các phương pháp đánh giá rủi ro; luôn cảnh giác, thích nghi, để chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức mới trong tương lai”.
IFAC đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của các bộ phận tài chính và kế toán trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp. IFAC cũng biên soạn một số báo cáo, cung cấp cho các kế toán, kiểm toán viên những hiểu biết sâu sắc về cách thức áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng; kết hợp các tiêu chuẩn mới về môi trường, xã hội và quản trị (ESG); đảm bảo rằng tính toàn vẹn và minh bạch vẫn là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động kinh doanh.
Báo cáo năm 2023 của IFAC có tiêu đề “Tìm hiểu về các báo cáo phòng, chống tham nhũng” cho biết, 95% các công ty được khảo sát trên toàn cầu đã công bố một số thông tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng. Các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu ngày càng chú trọng hơn đến việc đảm bảo tính bền vững, ngày càng dành nhiều thời gian, nguồn lực tìm hiểu, phát triển các phương pháp phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng.
Bà Laura Takamizawa đại diện IFAC đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các kế toán, kiểm toán viên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh. Bà cho rằng, nhân sự lĩnh vực này cần thường xuyên phối hợp với các bên liên quan và có thể đóng góp lớn giúp phòng, chống các hành vi tham nhũng.
Các kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp ngày càng nắm giữ những vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và hối lộ xuyên quốc gia cùng nhiều hành vi gian lận khác. Để góp phần đảm bảo tính toàn vẹn và chính xác về tài chính, kế toán viên, kiểm toán viên có thể tích cực rà soát để phát hiện và báo cáo những sai lệch về tài chính, chỉ ra những hành vi hối lộ và tham nhũng; góp phần củng cố việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nội bộ chặt chẽ; giúp các quy định và luật pháp ngày càng được tuân thủ nghiêm ngặt hơn...
IFAC từng tổ chức một số hội thảo nhằm thảo luận về vai trò quan trọng của các tổ chức kế toán chuyên nghiệp trong công tác giáo dục và đào tạo. IFAC coi việc cập nhật cho các thành viên của IFAC những kiến thức, kỹ năng mới nhất, bao gồm việc phát triển các công nghệ như AI, cung cấp các chương trình đào tạo về đạo đức và tuân thủ là rất quan trọng. Ngoài việc củng cố kỹ năng nghề nghiệp cho các kế toán, kiểm toán viên, khách hàng và doanh nghiệp còn được nâng cao nhận thức về các rủi ro và hậu quả của vấn nạn hối lộ đối với mọi hoạt động của tổ chức.
“Các chính phủ, xã hội dân sự, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế phải cùng nhau hợp tác như những đối tác bình đẳng để biến các cam kết toàn cầu thành kết quả cụ thể, có tác động tích cực tới mỗi quốc gia”, đại diện IFAC nhấn mạnh./.
(Theo IFAC)