Nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, định hướng nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN càng được thể hiện rõ trên nhiều khía cạnh. Cụ thể hóa chủ trương thành phương châm hành động, lãnh đạo KTNN đã và đang quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm số lượng cuộc kiểm toán để tăng chất lượng cuộc kiểm toán. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán những năm qua đã giảm dần; tập trung kiểm toán tại các cơ quan tài chính tổng hợp các cấp để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) và quyết toán ngân sách các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời chú trọng lựa chọn các chủ đề kiểm toán gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; những chủ đề phục vụ cho các hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như sẵn sàng bố trí thời gian, nhân lực chất lượng cao, huy động trí tuệ và sức mạnh của toàn Ngành để thực hiện các cuộc kiểm toán được giao bổ sung trong năm.
Trong quá trình xây dựng, thực hiện Kế hoạch kiểm toán, KTNN thường xuyên phối hợp tích cực với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, nhất là Thanh tra Chính phủ để tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; cũng như chủ động thực hiện rà soát để không kiểm toán đối với những đầu mối, đơn vị đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ thanh tra, kiểm tra trong năm; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương để cùng thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, chuẩn mực kiểm toán để tạo cơ sở cho các đơn vị kiểm toán triển khai nhiệm vụ, KTNN cũng đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng, giá trị của báo cáo kiểm toán với yêu cầu các đoàn kiểm toán phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, cũng như đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của các kết luận, kiến nghị kiểm toán, giúp gia tăng tính khả thi trong thực hiện kiến nghị kiểm toán của các cơ quan, đơn vị, địa phương…
Có thể thấy rõ, thông qua việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới, làm việc với tinh thần quyết liệt, chất lượng kiểm toán của KTNN đã không ngừng được nâng cao, ngày càng cung cấp những thông tin, phát hiện kiểm toán giá trị góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…; phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ các địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của thiết chế KTNN đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Minh chứng rõ nhất là trong 30 năm qua, KTNN đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực. KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 714.831 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 124.767 tỷ đồng, giảm chi NSNN 179.068 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 410.996 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng ngày càng được cải thiện, thể hiện rõ chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Tính từ năm 2014-2023, kết quả thực hiện kiến nghị đạt 544.151 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng giai đoạn 2018-2023, tổng số kiến nghị đã thực hiện đạt 345.037 tỷ đồng, với tỷ lệ thực hiện trung bình đạt khoảng 75%.
Đồng thời, hàng nghìn văn bản pháp luật đã được KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi hoặc thay thế, bổ sung để phù hợp với quy định của pháp luật hoặc thực tiễn (chỉ tính riêng giai đoạn 2018-2023, KTNN đã kiến nghị xử lý hơn 1.003 văn bản) qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công, bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí. Hơn nữa, KTNN còn tham gia, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện các văn bản pháp luật quan trọng.
Có thể nói, chất lượng kiểm toán được nâng cao là sứ mệnh và uy tín của KTNN, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của KTNN đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Đạo đức công vụ vừa là “sức mạnh mềm”, vừa là yếu tố then chốt
Lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ đều nhất quán quan điểm, đối với KTNN, vấn đề đạo đức công vụ phải được đặt lên hàng đầu. Nhất là trong bối cảnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt, mạnh mẽ như hiện nay, để đảm bảo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ công tác, lãnh đạo KTNN đã và đang đưa ra những yêu cầu cao nhất về đạo đức công vụ; đây cũng là chủ trương, giải pháp “phòng chống tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng”.
Nhiều văn bản, chỉ thị liên quan đến yêu cầu thực thi đạo đức công vụ đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành, như Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp - Chuẩn mực KTNN số 30; Chương trình kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Ngành; Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ… Đặc biệt, mới đây, lãnh đạo KTNN đã tập trung quán triệt và yêu cầu toàn Ngành thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đây là những cơ sở quan trọng để toàn Ngành triển khai định hướng công tác khi mà trọng trách được Đảng, Nhà nước đặt lên vai KTNN ngày càng cao; những rủi ro, thách thức đặt ra cho KTNN ngày một lớn đòi hỏi quyết tâm, bản lĩnh chính trị cao của từng công chức, kiểm toán viên; thực tiễn này dẫn tới yêu cầu cấp bách phải nâng cao chất lượng gắn với đạo đức công vụ.
Theo đó, KTNN đặc biệt nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ. Đồng thời tăng cường và thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, tính gương mẫu, liêm chính của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gắn với việc nắm bắt tình hình, theo dõi, kiểm tra và giám sát ở tất cả các cấp quản lý. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, nhất là việc thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước, Quy chế làm việc của KTNN và các quy định khác có liên quan đến văn hóa công sở, đạo đức công vụ.
Đến nay, không ai có thể phủ nhận vai trò của KTNN là một trong những công cụ quan trọng của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Muốn công cụ này trở nên sắc bén hơn, hiệu quả hơn thì KTNN phải tạo được “sức mạnh mềm” từ bên trong, đảm bảo xây dựng đội ngũ kiểm toán viên nhà nước phải
“pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”; thường xuyên quan tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất của người kiểm toán viên nhà nước
“tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.
Vì vậy, yêu cầu luôn được lãnh đạo KTNN quán triệt đến từng đơn vị là phải lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn tốt để đảm nhiệm các vị trí Trưởng đoàn, Tổ trưởng tổ kiểm toán. Thêm vào đó, nhiều biện pháp mạnh cũng được lãnh đạo KTNN đặt ra như không bố trí tham gia đoàn kiểm toán đối với những người có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ; tăng cường kiểm soát phạm vi, giới hạn kiểm toán; xử lý nghiêm trường hợp kiểm toán ngoài phạm vi... Qua đó càng khẳng định sự quyết liệt, nghiêm minh của KTNN đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ. Hơn nữa, nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, KTNN đã đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý các cấp đảm bảo đúng quy định của Đảng, Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đi đôi với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán. Trong 10 năm qua, KTNN đã tổ chức 169 đoàn thanh tra theo kế hoạch và 21 đoàn thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt đối với công chức, viên chức, đơn vị kiểm toán về ý thức trách nhiệm, kỷ cương, đạo đức công vụ.
Bên cạnh việc thực thi những biện pháp, giải pháp cứng rắn, lãnh đạo KTNN đặc biệt quan tâm, chú trọng khích lệ các đơn vị hăng hái thi đua, khen thưởng các Đoàn kiểm toán có kết quả tốt; kịp thời phát hiện, động viên, ghi nhận và biểu dương các Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và kiểm toán viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để từng cá nhân và mỗi đơn vị không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán, nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần gương mẫu, phát huy tính sáng tạo và thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nguồn động lực này càng tiếp thêm sức mạnh cho từng tập thể, mỗi cá nhân của KTNN hăng say rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu vươn lên, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tích chung của toàn Ngành.
Đạo đức công vụ trở thành “sức mạnh mềm”, yếu tố then chốt giúp KTNN luôn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân tin tưởng giao phó./.
Hà Linh