Phát động thi đua trong toàn ngành
Kỉ niệm 20 năm thành lập ngành, KTNN đã phát động một đợt thi đua sâu rộng trong toàn ngành với sự tham gia của 31 đơn vị cấp Vụ. Đây là đợt thi đua 365 ngày lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập KTNN theo Kế hoạch số 948/KH-KTNN ngày 10/7/2013 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, chủ đề xuyên suốt phong trào thi đua của KTNN là “Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, sáng tạo và trách nhiệm trong công tác, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của KTNN”. Đợt thi đua lần này nhằm mục tiêu “khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề, động viên ý thức tự giác, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, thống nhất, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và phối hợp trong công tác, phát huy sức sáng tạo của từng cán bộ đảng viên, công chức viên chức và người lao động trong ngành, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực hoạt động.” Thông qua đó, “nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong các mặt công tác, nhất là trong hoạt động kiểm toán; động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, không ngừng rèn luyện ý thức tổ chức kỉ luật, nâng cao phẩm chất đạo đức và văn hóa nghề nghiệp.”
Không chỉ trong 365 ngày mà nhiệm vụ xuyên suốt trong một thời gian dài của ngành luôn là thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và hoạt động công vụ; kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính của ngành trong đó chú trọng đến lĩnh vực kiểm toán; tích cực tham gia xây dựng và tham gia ý kiến bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các quy chế, quy định, hướng dẫn, các quy trình, quy phạm trong công tác; thực hiện tốt công tác tuyên truyền; phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng; thực hiện tốt các hoạt động đoàn thể tạo khí thế sôi nổi cho cán bộ công chức để nỗ lực cống hiến cho ngành, cho đất nước.
Thi đua là nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao
Kể từ khi Luật KTNN có hiệu lực, KTNN đã thực hiện 1.084 cuộc kiểm toán. Khoảng cách bình quân giữa 2 lần kiểm toán mỗi đơn vị đã được rút ngắn. Trong 05 năm gần đây, hầu hết các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, bảo hiểm… được kiểm toán 2-3 năm một lần; trung bình mỗi năm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của 50% số tỉnh, thành phố. Nhiều đơn vị được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo luật định như: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội.... Ngoài việc thực hiện kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán hàng năm, KTNN còn thực hiện nhiều cuộc kiểm toán theo yêu cầu để phục vụ công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và theo đề nghị của các nhà tài trợ.
Không chỉ vậy, KTNN đã tăng cường kiểm toán cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động), trong đó kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ vẫn là chủ yếu. Riêng kiểm toán hoạt động trong những năm gần đây đã dần được chú trọng nhiều hơn, các cuộc kiểm toán chuyên đề chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong Kế hoạch kiểm toán hàng năm. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN luôn chú trọng đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ rõ sai phạm, địa chỉ sai phạm, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, kiến nghị cụ thể với các cơ quan liên quan xử lý theo quy định của pháp luật; xác nhận các chỉ tiêu chủ yếu về tổng thu, tổng chi, bội chi NSNN để cung cấp thông tin xác thực và đảm bảo chất lượng cho Chính phủ, Quốc hội trong việc xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN và quyết định dự toán NSNN; cung cấp thông tin cho HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm. KTNN cũng thực hiện kiểm toán và xác nhận báo cáo quyết toán vốn đầu tư của các dự án XDCB, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức kinh tế nhằm cung cấp thông tin khách quan, trung thực và nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Cùng với đó, chất lượng kiểm toán ngày càng có tiến bộ hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn quản lý. Những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, phong phú, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xem xét, phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách, giám sát ngân sách và thực hiện chính sách pháp luật; trong quản lý và xây dựng chính sách tài chính - ngân sách. Các đơn vị được kiểm toán căn cứ kiến nghị của KTNN đã góp phần khắc phục những yếu kém, bất cập, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ.
Kết quả kiểm toán của KTNN trong những năm qua đã chỉ ra nhiều sai phạm chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính. Tổng hợp kết quả kiểm toán từ năm 1994 đến năm 2013, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 147.545 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán được ghi nhận không chỉ là con số tăng thu, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước mà thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN giúp các cơ quan nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách; giúp các đơn vị kiểm toán nhìn nhận và đánh giá đúng đắn thực trạng tình hình tài chính để khắc phục những yếu kém, sơ hở trong quản lý kinh tế và sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa các tiêu cực, lãng phí, thất thoát ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, từng bước hoàn thiện công tác quản lý, bảo đảm sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia đảm bảo hơn. Thông qua kiểm toán đã giúp các đơn vị được kiểm toán nhìn nhận và đánh giá đúng đắn tình hình thực trạng tài chính, khắc phục được những yếu kém, sơ hở trong quản lý tài chính, kinh tế và sản xuất kinh doanh, cải tiến và hoàn thiện hệ thống quản lý và kiểm soát nội bộ; kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, chế độ quản lý cho phù hợp. KTNN đã cung cấp được những thông tin, dữ liệu xác thực, tin cậy cùng nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ trong quản lý và điều hành ngân sách, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, giám sát tài chính nhà nước và tài sản công, góp phần quan trọng bảo đảm tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước, xác lập trật tự, kỉ cương, tăng cường hiệu lực trong quản lý kinh tế - tài chính, minh bạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia; ngăn ngừa gian lận và tham nhũng.
Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của ngành KTNN, trong 20 năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tặng thưởng nhiều huân huy chương và phần thưởng cao quý cho tập thể ngành cũng như các đơn vị trong toàn ngành. Năm 1999, KTNN được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2004 được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng nhất; năm 2008 được Chủ tịch nước tặng "Huân chương Độc lập" hạng ba; năm 2010 được Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2012 được Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Cũng trong thời gian qua, 12 tập thể cấp Vụ thuộc KTNN được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 14 tập thể cấp vụ được tặng Huân chương Lao động hạng nhì; 22 tập thể cấp Vụ thuộc KTNN được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 17 tập thể cấp Vụ được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 21 tập thể cấp phòng được được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Đảng bộ KTNN, Công đoàn KTNN và Đoàn TNCS KTNN cũng dành được nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đáng tự hào.
Phát huy 8 chữ vàng “Chính trực – công minh – nghệ tinh – tâm sáng”, người kiểm toán viên hôm nay luôn nỗ lực phấn đấu, thi đua xây dựng ngành KTNN phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của Đảng và nhân dân, vươn cao xứng tầm khu vực./.
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 79 (Tháng 5/2014)