(sav.gov.vn) - Những năm qua, hoạt động của KTNN được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao thể hiện qua những con số tăng thu, tiết kiệm chi hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước (NSNN); giúp các cơ quan nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, các đơn vị được kiểm toán ngăn ngừa tiêu cực, lãng phí, thất thoát tiền và tài sản nhà nước và đặc biệt đã chỉ ra các cơ chế, chính sách còn bất cập để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện qua đó bịt các lỗ hổng về chính sách. Trong chuỗi những kết quả đạt được của KTNN có vai trò đóng góp của kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).
Ngay từ khi thành lập, kiểm toán Chương trình MTQG đã được quan tâm và đưa vào các quy định về cơ cấu và tổ chức. Nghị định 70/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 1994 về việc thành lập cơ quan kiểm toán và Quyết đinh số 61/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 1995 về ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN đã quy định cơ cấu bộ máy giúp Tổng KTNN thực hiện nhiệm vụ được giao, theo đó được tổ chức thành 05 đơn vị trong đó 01 đơn vị trực thuộc KTNN được giao thực hiện nhiệm vụ Kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình, dự án vay, nợ, viện trợ Chính phủ (hiện nay Tổng KTNN giao KTNN Chuyên ngành IV, V và các KTNN khu vực thực hiện kiểm toán các Chương trình MTQG). Kể từ đó đến nay KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chương trình MTQG quan trọng như: Chương trình 134; Chương trình 135 (02 giai đoạn), nông thôn mới, giảm nghèo bền vững (02 giai đoạn); chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, dự án 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng), …với cơ cấu tổ chức, quy mô khác nhau và chủ yếu được triển khai dưới hai hình thức (i) kiểm toán hoạt động lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ hoặc kiểm toán chuyên đề hàng năm; (ii) tổ chức cuộc kiểm toán hoạt động riêng rẽ.
Kết quả đạt được về kiểm toán thực hiện Chương trình MTQG
Với sự quan tâm sâu sát của Ban Cán sự Đảng, Tổng KTNN hiệu quả kiểm toán chương trình MTQG không ngừng được gia tăng. Giai đoạn đầu kết quả kiểm toán chủ yếu phát hiện các sai sót và xử lý tài chính tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước mà chưa có nhiều các phát hiện về thay đổi cơ chế, chính sách để có nhiều kiến nghị nhằm cải thiện tính kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu của chương trình. Giai đoạn từ 2010 đến nay ngoài các kiến nghị về xử lý tài chính, kết quả kiểm toán đã đi sâu phân tích, cơ chế chính sách với nhiều kiến nghị nổi bật, đã tác động mạnh mẽ đến việc xác định cơ cấu tổ chức thực hiện chương trình MTQG, các cơ chế chính sách đặc thù cho chương trình, các bất cập cần thiết phải ban hành sửa đổi, cơ chế chính sách kịp thời, cụ thể:
Việc Chính phủ ban hành với số lượng 16 Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015 dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, không đủ nguồn lực cho các chương trình điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả chương trình; Cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện một số Chương trình mục tiêu quốc gia chưa hợp lý, việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế. Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn và giao kế hoạch theo cơ chế kế hoạch từng năm nên chưa bảo đảm chủ động cho địa phương; mục tiêu, nội dung của một số Chương trình còn trùng lặp với nhiệm vụ chi thường xuyên; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình theo dõi, đánh giá các chương trình còn hạn chế.
Giai đoạn 2021-2025, một số tồn tại hạn chế đã được KTNN chỉ ra: (i) Quốc hội ban hành 03 Nghị quyết về thực hiện các Chương trình MTQG từ giữa năm 2020 và 2021 nhưng đến giữa và cuối năm 2022, Trung ương mới hoàn thành công tác phân bổ và giao vốn nên đến tháng 3/2023 hầu hết các địa phương mới chỉ cơ bản hoàn thành quy trình, quy định thực hiện chương trình, thủ tục phân bổ, giao vốn tổ chức thực hiện trong khi thời gian kết thúc chương trình là 2025 dẫn đến nguy cơ không hoàn thành tiến độ. (ii) Ban chỉ đạo Chương trình triển khai chưa hiệu quả quy định của Quốc hội tại Điểm a, Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 24/2021/QH15“giao Chính phủ quy định cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện một số hoạt động của Chương trình để đảm bảo phù hợp với tình hình…”. (iii) Chưa hoàn thành việc xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. (iv) Việc phân bổ vốn sự nghiệp của Chương trình hiện tại không được giao theo giai đoạn mà giao theo hàng năm, điều này dẫn đến địa phương lúng túng, không chủ động dự kiến được nguồn kinh phí sự nghiệp của chương trình trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, nguyên nhân là do sự bất cập giữa quy định tại Điều 35 Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ và Điều 42 của Luật NSNN năm 2015.
Từ các tồn tại, hạn chế được chỉ ra, KTNN đã đưa ra kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ như: (i) Kiến nghị tiếp tục đầu tư Chương trình giai đoạn 2016-2020 với cấu tổ chức thực hiện chương trình hướng đến tổ chức lại thành các chương trình MTQG trọng điểm, tập trung, tránh dàn trải, manh mún. (ii) Giai đoạn 2020-2025 kiến nghị Chính phủ, bộ ngành có liên quan khẩn trương sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022, Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022, Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022, Thông tư 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính, Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…
Các Báo cáo kiểm toán sau khi phát hành đã được Chính phủ, các đơn vị được kiểm toán đồng thuận cao và triển khai thực hiện tốt hơn qua từng giai đoạn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sử dụng kết quả, phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về 03 Chương trình, tổng hợp báo cáo Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về kết quả giám sát chuyên đề các Chương trình MTQG, từ đó giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khoá 15.
Các bất cập, hạn chế cơ chế, chính sách đã được Chính phủ, các Bộ nghiêm túc tiếp thu và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế như Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 (iii) Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 thay thế Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính…
Bài học kinh nghiệm và giải pháp trong thời gian tới
Thứ nhất, việc xác định tầm quan trọng của việc kiểm toán chương trình ngay từ đầu thành lập KTNN đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo đảng, nhà nước và lãnh đạo KTNN qua từng thời kỳ.
Thứ hai, việc lựa chọn nội dung kiểm toán Chương trình MTQG hằng năm thể hiện chỉ đạo sâu sát của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước nhằm phân tích, đánh giá tác động các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, được nhân dân quan tâm trong đó đã chú ý ưu tiên thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu Quốc hội, Chính phủ, phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội;
Thứ ba, việc KTNN không ngừng từng bước hoàn thiện hồ sơ mẫu biểu và tiếp tục chỉ đạo kiểm toán CTMT đa dạng, lồng ghép trong các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ nhưng coi trọng, tăng cường kiểm toán hoạt động là bước chuyển quan trọng để gia tăng hiệu quả kiểm toán chương trình MTQG;
Thứ tư, các đơn vị được giao chủ trì cuộc kiểm toán đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, tập huấn chuyên môn sâu về các quy định liên quan đến Chương trình trong đó đi sâu phân tích, xác định trọng tâm, trọng yếu trong đó tập trung đánh giá các bất cập, cơ chế chính sách liên quan đến Chương trình; bố trí lựa chọn nhân sự đoàn kiểm toán theo tiêu chí đảm bảo đủ số lượng, có chiều sâu về chất lượng, có phẩm chất đạo đức công vụ, không ngại khó nhất là nhân sự Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan chủ quản chương trình là các KTV chính, tâm huyết, có tuổi đời, kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và có kiến thức tổng hợp hiểu biết các lĩnh vực kinh tế- xã hội, phân tích chính sách.
Thứ năm, tập trung đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, chính sách là định hướng có chiều sâu, xác định được nguyên nhân từ gốc rễ của vấn đề, từ đó có kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách đảm bảo đánh giá toàn diện, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, thực hiện và sử dụng vốn của chương trình;
Thứ sáu, thông qua kết quả kiểm toán từng bước khẳng định được vị thế của cơ quan KTNN trong hành trình 30 năm xây dựng, phát triển; thực hiện hiệu quả chức năng của cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công và trách nhiệm đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách công;
Thứ bảy, thông qua các cuộc kiểm toán Chương trình MTQG đã đẩy mạnh phát triển năng lực tổng hợp, đánh giá, phân tích chính sách công của KTV nhà nước, qua đó góp phần vào việc chú trọng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn ngành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQHXIV ngày 16/9/2020.
Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của KTNN với nhiều thành tựu, kết quả đã đạt được trong đó có sự đóng góp của lĩnh vực kiểm toán Chương trình MTQG. Trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng, Tổng KTNN tiếp tục đẩy mạnh, chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán với phương châm "gọn nhưng chất lượng"...đòi hỏi các cuộc kiểm toán Chương trình MTQG tiếp tục được bố trí thực hiện tinh gọn nhưng phải luôn đảm đảm chất lượng kiểm toán. Việc đưa ra các ý kiến dự báo, tư vấn để Quốc hội thực hiện có hiệu quả quyền giám sát tối cao cũng như kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách thể hiện tinh thần đồng hành cùng Chính phủ trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội…sẽ tiếp tục đóng góp tiếng nói chung của KTNN trong thời gian tới.
Hà Linh