Tiêu chí sử dụng trong kiểm toán tính hiệu quả
Hiệu quả là tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có hoặc các yếu tố đầu vào về chất lượng và số lượng. Nói cách khác, hiệu quả có nghĩa là tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực để đạt được một kết quả nhất định. Theo khuyến nghị của OECD, các dự án/khoản đầu tư dài hạn sử dụng vốn nhà nước cần được tăng cường đánh giá tính hiệu quả về chi phí, lợi ích và các rủi ro trong quá trình thực hiện để khuyến khích các bên mang lại hiệu quả thực sự.
Theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI) 3000, hệ thống tiêu chí sử dụng trong kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực được thiết kế theo sơ đồ hình kim tự tháp. Trong đó, với tính hiệu quả, các tiêu chí kiểm toán được xác định thông qua các yếu tố về tài chính, số lượng, thời gian, chất lượng. Khi thực hiện kiểm toán đánh giá tính hiệu quả, các kiểm toán viên nhà nước (KTV) cần am hiểu về quy trình và các hoạt động quản lý của đơn vị được kiểm toán từ nguồn lực đầu vào, các bước trong quy trình và sản phẩm đầu ra. Nguồn lực đầu vào của khu vực công thường rất lớn, bao gồm: Cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị và quyền sở hữu đất, các dự án... với nguy cơ thất thoát và tham nhũng cao. Vì vậy, thường có một số tiêu chí gắn liền với hoạt động quản lý.
Trong đó có tiêu chí về cam kết và quy trình quản lý từ trên xuống, gồm: Trách nhiệm giải trình; Kỳ vọng về mặt hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu với các chỉ số; Các tiêu chuẩn, định mức về chi phí, chất lượng hoạt động.
Tiêu chí về kế hoạch chiến lược gồm: Lập kế hoạch chiến lược (xác định những điểm kém hiệu quả và ưu tiên các sáng kiến cải thiện hiệu quả); Đánh giá rủi ro; Đánh giá các cơ hội.
Tiêu chí về kế hoạch hành động, bao gồm: Lập kế hoạch hoạt động (phân bổ nguồn lực tài chính, con người cho các dự án và hoạt động của tổ chức được thiết kế để nâng cao hiệu quả hoạt động); Các tiêu chuẩn để xác định, lập ngân sách và phân bổ nguồn lực đầu vào; Chi phí đầu vào; Chi phí đơn vị; Chi phí biến động; Thông tin tài chính; Phân bổ nhân sự.
Tiêu chí về quản lý hoạt động, chương trình, dự án, cụ thể có: Các biện pháp kiểm soát quản lý hoạt động (dự án, hệ thống vận hành và quy trình làm việc của tổ chức); Các hệ thống và quy trình vận hành; Tận dụng năng lực sản xuất, kinh doanh.
Tiêu chí về hệ thống công nghệ thông tin, trong đó đánh giá định kỳ việc sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của các hoạt động và dịch vụ.
Tiêu chí về giám sát hiệu quả và báo cáo bao gồm: Giám sát hiệu suất; Giám sát chất lượng và mức độ dịch vụ; Điểm chuẩn; Báo cáo về các sáng kiến hiệu quả; Báo cáo hiệu quả tiết kiệm…
Tiêu chí về tính cải thiện và đổi mới liên tục, gồm: Cải thiện các phương pháp hoạt động hiện có; Các ý tưởng để cải thiện hiệu quả hoạt động; Các phương án thay thế cung cấp dịch vụ; Hiệu quả thông qua cộng tác; Quy trình cải tiến liên tục.
Những lưu ý khi kiểm toán đánh giá tính hiệu quả việc sử dụng ngân sách nhà nước
Khi thực hiện kiểm toán hiệu quả, KTV cần quan tâm tới tính nhất quán trong việc tính toán các loại chi phí đầu vào và xác định xem liệu tất cả các chi phí trực tiếp (nhân công, thiết bị, vật liệu...) và chi phí gián tiếp (quản lý, tiện ích, bảo trì....) đã được thống kê đầy đủ dữ liệu hay chưa. Việc tính toán các tỷ số về đầu ra/đầu vào, kết quả/đầu vào là quan trọng để đánh giá tính hiệu quả.
Theo Quỹ Kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada, KTV cần lưu ý các dấu hiệu nghi ngờ về tính hiệu quả khi kiểm toán tại khu vực công như: Thiếu các báo cáo về kết quả hoạt động quản trị; các thông tin cơ bản về khối lượng đầu vào và đầu ra không được thu thập và phân tích; thông tin hoạt động không phù hợp, chưa tin cậy, chưa đầy đủ và chưa kịp thời; thông tin về chi phí của các hoạt động, chương trình không được biết hoặc không được thu thập, phân tích, báo cáo và kiểm soát thường xuyên.
Ngoài ra, KTV cần lưu ý trường hợp chỉ có chi phí tổng mà không tính toán phân tích các chi phí đơn vị đầu ra, hoặc thiếu thông tin cung cấp cho nhà quản trị; kiểm soát hoặc chi phí phát sinh quá mức cần thiết so với cho các giao dịch thông thường, có rủi ro thấp. Chức năng kiểm toán nội bộ không có hoặc thiết lập không đầy đủ sẽ đồng nghĩa với việc tổ chức không quan tâm đầy đủ đến các biện pháp kiểm soát quản lý và tác động của chúng đến hiệu quả.
Bên cạnh đó, KTV cũng phải đánh giá việc các hệ thống và quy trình không tận dụng hiệu quả công nghệ thông tin; tổ chức không nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sử dụng tối ưu các nguồn lực, không tổ chức các khóa đào tạo nội bộ cho nhân viên, tỷ lệ thôi việc hoặc vắng mặt nơi làm việc cao; các đơn vị, dự án, chương trình có rất nhiều khiếu nại hoặc khiếu nại không được giải quyết, nhiều hồ sơ tồn đọng.
Để thực hiện các mục tiêu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, Chính phủ cần tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện kiểm toán đánh giá tính hiệu quả. Thực tế cho thấy, Kiểm toán nhà nước sẽ gặp không ít thách thức trong việc xác định rủi ro và xây dựng tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của một đơn vị/dự án/chương trình. Do đó, để cuộc kiểm toán thành công, các KTV cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thiết lập tiêu chí kiểm toán phù hợp, kết hợp với sự hợp tác của đơn vị được kiểm toán trong việc cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết./.
Theo Báo Kiểm toán số 41/2023