Thực hiện tốt việc thu thập bằng chứng kiểm toán
Theo ghi nhận của KTNN và các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, bằng chứng kiểm toán là tất cả các tài liệu, thông tin do kiểm toán viên (KTV) thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các tài liệu, thông tin này, KTV sẽ đưa ra đánh giá, kết luận kiểm toán.
PGS,TS. Đinh Thế Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán nêu rõ, trách nhiệm của KTV là phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra những ý kiến của mình trước các vấn đề được kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Nguyễn Lương Thuyết cũng nhấn mạnh, qua hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán cho thấy, về cơ bản các đề cương kiểm toán đã thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán phù hợp nhằm thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp, đặc biệt đối với các sai sót phát hiện làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán tại báo cáo kiểm toán.
Dẫn chứng cụ thể về chuyên đề kiểm toán Việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học, công nghệ giai đoạn 2020-2022 vừa được KTNN hoàn thành, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đánh giá, Đoàn kiểm toán sớm triển khai xây dựng đề cương và cụ thể hóa các phương pháp thu thập bằng chứng theo từng nội dung kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, các KTV đã bám sát vào nội dung công việc được phân công, thực hiện các thủ tục, chuẩn mực kiểm toán phù hợp để thu thập bằng chứng kiểm toán.
“Việc đánh giá được thực hiện khi xem xét tương quan giữa sự phù hợp và đầy đủ của bằng chứng kiểm toán, từ đó góp phần đảm bảo các đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán đảm bảo tính khách quan” - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Đức Sỹ thông tin.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của bằng chứng kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Lại Xuân Nghị đặc biệt lưu ý đến bằng chứng kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán có nội dung kiểm toán mới, loại hình kiểm toán khó, như: Kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động... “Không giống như kiểm toán ngân sách hay đầu tư xây dựng dựa trên chứng từ, hồ sơ, bản vẽ, kiểm toán môi trường đòi hỏi phải nắm bắt được đúng thời điểm chuyển trạng thái, ví dụ như nước thải, khói thải để có được bằng chứng” - ông Nghị nêu; đồng thời khẳng định với sự nỗ lực của các đơn vị kiểm toán, KTV, KTNN từng bước làm chủ trong việc nhận diện bằng chứng đối với lĩnh vực kiểm toán mới, khó.
Đảm bảo tính tin cậy của các bằng chứng kiểm toán
Từ thực tiễn nghiên cứu, kiểm toán, các ý kiến cho rằng, bằng chứng kiểm toán phải đảm bảo tính đầy đủ, thích hợp và cần dựa vào nhiều phương pháp để thu thập, từ đó đảm bảo tính tin cậy của bằng chứng kiểm toán.
Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đánh giá, qua thực tế cho thấy, các KTV đã sử dụng linh hoạt phương pháp thu thập bằng chứng (quan sát, kiểm tra, đối chiếu, điều tra, phỏng vấn, thủ tục phân tích, thực hiện lại) trong bối cảnh cụ thể và gắn với xét đoán chuyên môn để lựa chọn phương pháp thu thập bằng chứng đầy đủ, thích hợp. Đặc biệt, các KTV đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới để thu thập, kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của chứng từ, tài liệu được cung cấp nhằm nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, các đơn vị kiểm toán phải rà soát, thu thập, củng cố các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp, làm cơ sở cho các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán. Muốn vậy, cần phải chú trọng nâng cao năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ KTV đối với vấn đề này. |
Về độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán, các chuyên gia cho rằng, khi tiến hành đánh giá, KTV cần phải dựa trên các nguyên tắc: Bằng chứng do KTV tự thu thập có độ tin cậy cao hơn bằng chứng do đơn vị cung cấp; bằng chứng kiểm toán có sức thuyết phục cao hơn khi có được thông tin từ nhiều nguồn cùng xác nhận... “Trong trường hợp bằng chứng có từ nguồn này mâu thuẫn với nguồn khác, KTV phải tiến hành thủ tục kiểm tra bổ sung cần thiết để giải quyết mâu thuẫn” - PGS,TS. Đinh Thế Hùng lưu ý; đồng thời đánh giá cao cách thức tổ chức, thu thập bằng chứng cũng như tính xác thực của bằng chứng tại KTNN hiện nay.
Từ thực tiễn kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Nguyễn Huy Sáng cho biết, đoàn kiểm toán, KTV của đơn vị luôn được quán triệt phải xem xét thận trọng về độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán. “Khó khăn và chi phí phát sinh không phải là lý do để bỏ qua một số thủ tục kiểm tra cần thiết nhằm xác định rõ độ tin cậy của bằng chứng” - ông Sáng lưu ý.
Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của bằng chứng được thu thập, các ý kiến cho rằng, mỗi KTV phải tự nghiên cứu, trau dồi, tích lũy kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ để có thể thu thập đúng, đủ bằng chứng kiểm toán.
Đặc biệt, đối với các lĩnh vực kiểm toán mới, khó, KTNN cần tăng cường hình thức tọa đàm trao đổi về công tác tổ chức thu thập bằng chứng kiểm toán; đưa ra hướng dẫn thu thập bằng chứng và hình thức sổ tay chia sẻ kinh nghiệm để KTV tham khảo, áp dụng vào thực tiễn kiểm toán, từ đó góp phần nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán, nâng cao chất lượng của báo cáo kiểm toán.
Trong bối cảnh Luật KTNN sửa đổi đã bổ sung quyền khiếu nại và khởi kiện của đơn vị được kiểm toán, khi đơn vị có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đơn vị, cá nhân trong quá trình kiểm toán; khiếu nại các đánh giá, kết luận kiểm toán không đủ căn cứ… Do đó, việc đảm bảo tính tin cậy của bằng chứng kiểm toán là yêu cầu cấp thiết, thuộc trách nhiệm của từng đoàn kiểm toán, KTV để đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro cho hoạt động kiểm toán./.
Theo Báo Kiểm toán số 47/2023