Hiến định địa vị pháp lý đã thể hiện rõ vị trí của KTNN trong các thiết chế quyền lực Nhà nước

(kiemtoannn.gov.vn) - Nhân sự kiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, trong đó lần đầu tiên KTNN được quy định trong Hiến pháp, bà Lê Thị Nga- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã dành cho Báo Kiểm toán cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.


* Thưa bà, tại bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên địa vị pháp lý của cơ quan KTNN được ghi thành 1 điều. Là một trong số các đại biểu Quốc hội rất ủng hộ việc bổ sung thiết chế KTNN trong Hiến pháp, xin bà cho biết sự kiện này có ý nghĩa, tác động như thế nào đối với vị thế cũng như hoạt động của KTNN?
 
- Theo Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành thì KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập. Tuy địa vị pháp lý này được Quốc hội ghi nhận từ năm 2005, nhưng về tầng pháp lý cao nhất, cho tới trước Hiến pháp 2013, KTNN chưa có tên trong Hiến pháp. Vậy, KTNN là ai trong các nhánh quyền lực Nhà nước (Lập pháp? Hành pháp? Tư pháp?) trong 8 năm qua chưa có câu trả lời chính thức. Vì vậy, việc ghi nhận đưa KTNN chính thức vào Điều 118 Hiến pháp sửa đổi vừa qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ đối với tổ chức và hoạt động của KTNN mà là sự khẳng định về mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà nước ta - KTNN chính thức được công nhận là một thiết chế hiến định độc lập. Những vấn đề căn bản nhất về địa vị pháp lý, chức năng, cách thức hình thành, chế độ báo cáo công tác của Tổng Kiểm toán Nhà nước và KTNN cũng được Hiến pháp xác định rất rõ.
 
Không chỉ quy định tại Điều 118, mà các điều khác ở các chương tương ứng cũng đã quy định rõ về thẩm quyền bầu, trách nhiệm chịu sự giám sát của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Việc ghi nhận với tư cách là một thiết chế hiến định độc lập tại chương X vừa thể hiện vị trí quan trọng, rõ ràng của KTNN trong các thiết chế quyền lực Nhà nước vừa đặt lên vai KTNN trách nhiệm nặng nề để hoàn thành tốt nhiệm vụ  cũng như niềm tin, kỳ vọng mà Quốc hội và cử tri giao phó, nhất là trong bối cảnh chống tham nhũng hiện nay.
 
* Sau khi được chế định trong Hiến pháp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN trong thời gian tới là phải sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Vậy, việc sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm, chú trọng những vấn đề gì, thưa bà?
 
- Việc sửa đổi Luật kiểm toán Nhà nước lần này cần đặt trong bối cảnh vị thế pháp lý mới và yêu cầu của Quốc hội đối với việc nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng nhiệm vụ của KTNN, đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình quản lý sử dụng tài chính, tài sản công hiện nay. Theo tôi, trên cơ sở tổng kết nghiêm túc thực tiễn hoạt động kiểm toán thời gian qua, đặt trong bối cảnh yêu cầu tình hình thực tiễn, xu hướng dự báo thời gian tới và kinh nghiệm quốc tế, cần phải đưa ra những sửa đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
 
Tôi đề nghị đặc biệt lưu ý phải  quy định chặt chẽ về chế tài, hiệu lực pháp lý trong việc thực hiện kiến nghị, kết luận qua kiểm toán. Có như vậy mới đảm bảo tính độc lập của KTNN cũng như khắc phục được tình trạng các cơ quan, tổ chức, kể cả Trung ương và địa phương, không thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị qua kết quả kiểm toán như thời gian qua, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN.
 
* Xin trân trọng cảm ơn bà!