Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình
Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2013, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong 8 tháng năm 2013, công tác PCTN đã đạt được những kết quả tích cực trên một số mặt; hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm, việc xử lý sau thanh tra, kiểm toán có hiệu quả hơn, góp phần chấn chỉnh, quản lý, phòng ngừa tham nhũng; hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế là tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn kín đáo, tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xức trong dư luận và người dân. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản một số DNNN đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, làm giảm niềm tin của nhân dân về công tác PCTN. Từ việc đánh giá kết quả này, báo cáo cũng đã chỉ ra và phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN.
Tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực trạng phát hiện, xử lý tham nhũng thời gian qua chưa tạo được lòng tin của nhân dân. Dư luận cho rằng, với việc xử lý kỷ luật hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bao che, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, thực tế có nhiều vụ viêc tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài nhưng chưa xử lý được đã làm giảm lòng tin của nhân dân. “Hiện nay, tham nhũng diễn ra cả ở lĩnh vực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người có công, giáo dục, y tế, văn hóa… Có những vụ án đã đưa ra công luận rồi, có cả ý kiến của Chính phủ nhưng cả năm trời vẫn im lặng, không có kết quả. Chính sự im lặng đó khiến lòng dân không yên, ngay cả cán bộ như tôi cũng băn khoăn không biết chuyện sẽ đi tới đâu, đúng sai như thế nào?” - ông Ksor Phước bày tỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá: Báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp được tình hình, phân tích và nêu kiến nghị về PCTN. Tuy nhiên, báo cáo cần làm rõ vấn đề tại sao dư luận nhiều, nhưng phát hiện và xử lý tham nhũng thì ít? Tham nhũng gây thiệt hại nhiều nhưng thu hồi ít, nhất là trong lĩnh vực đất đai? “Qua thanh tra, kiểm tra gần 15.000 vụ nhưng chuyển sang xử lý hình sự chỉ 36 vụ, còn lại xử lý hành chính hết. Vậy việc xử lý hành chính có đúng không?”- Ông Phan Trung Lý đặt câu hỏi.
Hoàn thiện thể chế về PCTN
Từ việc đánh giá thực trạng công tác đấu tranh, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, các đại biểu cho rằng, muốn nâng cao chất lượng PCTN thì việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong công tác PCTN là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Theo ông Phan Trung Lý, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ thêm vấn hoàn thiện thể chế, đặc biệt là việc thiếu các văn bản quy phạm pháp luật.Theo thống kê hiện nay, có khoảng 150 văn bản cần ban hành liên quan đến công tác PCTN.Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ mới nêu được 22 văn bản. Như vậy, báo cáo cần đề cập cụ thể xem còn những văn bản khác đã ban hành hay chưa, liệu có ban hành được không và khi nào ban hành?
Đồng tình với quan điểm này, theo đại biểu Kso Phước, trách nhiệm PCTN phải được thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc đấu tranh PCTN bởi thực tế sự phối hợp này còn thụ động, thiếu tính thống nhất. Đồng thời, cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của các Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, thậm chí phải nêu rõ địa chỉ xem nơi nào thực hiện tốt, nơi nào thực hiện kém.
Cũng liên quan đến trách nhiệm của cơ quan chuyên trách PCTN, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị, để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng, chống, xử lý tham nhũng thì cần có một cơ quan độc lập, làm đầu mối chịu trách nhiệm chính về công tác PCTN, tránh tình trạng “nhiều sư, nhiều vãi nhưng không ai đóng cửa chùa” như hiện nay. Bên cạnh đó, trong đấu tranh, PCTN trong thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm toán cần tập trung vào các vấn đề trọng điểm, bởi thực tế cho thấy, nơi nào có nhiều tiền, có nhiều quyền lực là nơi đó có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất. Các lĩnh vực như xây dựng kế hoạch, đấu thầu, công tác cán bộ,... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng.
NGUYỄN HỒNG