(kiemtoannn.gov.vn) - Với 7 huyện nghèo, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số huyện nghèo nhiều nhất nước. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, một số huyện nghèo của Thanh Hóa đã đạt kết quả tích cực trong xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) nhanh và bền vững.
Theo các chính sách hiện hành, trên địa bàn các huyện nghèo cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng, hiện có đến 17 chương trình và chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ giảm nghèo. Đây là những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm XĐGN cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Trong đó, đáng kể nhất là chính sách XĐGN nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (Chính sách 30a) thực hiện trên địa bàn 62 huyện nghèo nhất cả nước, chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167), Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135).v.v… Bên cạnh đó là sự ủng hộ, đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Thực hiện lồng ghép các chương trình kể trên, những năm qua, Thanh Hóa đã huy động tối đa các nguồn lực vào đầu tư, phát triển và XĐGN. Kết quả, chỉ tính riêng 7 huyện nghèo đã khoán bảo vệ rừng được 22.200ha, trồng được 147.744ha rừng sản xuất dự án; hỗ trợ lần đầu gần 4 tỷ đồng giống cây trồng rừng sản xuất với mức 2 triệu đồng/ha; giúp 12.974 hộ nghèo có nhà ở mới, thoát cảnh nhà tạm bợ dột nát. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 50,67% (năm 2011) xuống còn 36,65% (năm 2012). Theo đánh giá của địa phương, kết quả trên một phần là nhờ có sự kết hợp, lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn chính sách cho mỗi mục tiêu. Đây cũng chính là ghi nhận tại kết quả kiểm toán năm vừa qua đối với Chính sách 30a và Chương trình 167 tại Thanh Hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện lồng ghép các chương trình XĐGN ở Thanh Hóa vẫn tồn tại những bất cập, được chỉ ra thông qua kết quả kiểm toán.
Trước hết, sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong triển khai còn thiếu chặt chẽ. Cụ thể, việc phân bổ và quyết toán kinh phí do Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư quyết định mà không có sự tham gia đúng mức của các sở, ban, ngành trong Ban chỉ đạo XĐGN. Bất cập đáng kể nữa là, mặc dù được đầu tư số tiền lớn, với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, song việc lồng ghép tại một số huyện tỏ ra chưa hiệu quả. Như tại huyện Quan Hóa, tính đến hết năm 2011, tổng số vốn lồng ghép để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên 100 tỷ đồng nhưng việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn còn bị động, lúng túng, thậm chí chưa xây dựng phương án lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Hoặc như Bá Thước là huyện được đánh giá triển khai khá thành công với tổng số kinh phí lồng ghép để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên 200 tỷ đồng, tuy nhiên việc xây dựng phương án lồng ghép của huyện cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó, trong 3 năm (2009-2011), huyện Bá Thước đã hỗ trợ tổng số 2.082 trâu, bò giống cho người dân, song do những nguyên nhân khác nhau kể cả việc không tính đến các điều kiện chăn nuôi cũng như hỗ trợ người dân chăm sóc, nên đến cuối năm 2012, tổng số chỉ còn khoảng hơn 1.800 con...
Thiết nghĩ, trong khi nguồn lực để thực hiện chính sách còn hạn chế, các địa phương nói chung và Thanh Hóa nói riêng, cần tích cực khắc phục những hạn chế trên, tránh gây lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả của các chương trình và chương trình mục tiêu quốc gia trong XĐGN./.
Theo Báo Kiểm toán (Số 36/2013)