Tăng cường đầu tư cho các dự án và chương trình mục tiêu

(kiemtoannn.gov.vn) - Nhằm khắc phục những bất cập và tiếp thu đề xuất, kiến nghị của KTNN, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc thực hiện công tác giảm nghèo, triển khai nhiệm vụ năm 2013 và định hướng giai đoạn tiếp theo, diễn ra vào cuối tháng 4/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững, đã có chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2013 và định hướng đến năm 2015. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững phải bảo đảm sự thống nhất và lồng ghép; những chính sách đang phát huy hiệu quả cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện; các chính sách còn hạn chế, vướng mắc cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Đối với các địa phương cần cụ thể hóa mục tiêu chương trình giảm nghèo vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương và có kiểm điểm, đánh giá thực hiện; chủ động lồng ghép Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, nhất là chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các địa phương trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn cần chủ động, tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng và thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các DA-CTMT...

Góp phần thay đổi bộ mặt đời sống vùng khó khăn
Năm 2012, KTNN đã tiến hành kiểm toán niên độ năm 2011 việc triển khai chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (Chính sách 30a); triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2009-2011 (Chương trình 167) và một số DA-CTMT khác. Qua kiểm toán cho thấy, về cơ bản việc đầu tư thực hiện các DA-CTMT đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn; bước đầu góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống và bộ mặt nông thôn; thực hiện xóa đói giảm nghèo, hiện đại hóa nông thôn.

Theo kết quả kiểm toán, việc triển khai Chính sách 30a đã đem lại những kết quả rõ rệt, từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo. Quá trình thực hiện Nghị quyết đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao; nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ từ người dân; cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng ở thôn bản, xã và huyện tại các địa phương triển khai dự án được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Việc hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập như khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; tăng cường cán bộ đối với các huyện nghèo;... đã tạo được những chuyển biến đáng kể đối với đời sống nhân dân tại các huyện nghèo.

Cùng với đó, Chương trình 167 qua 3 năm thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương tới các địa phương trong xóa nhà tạm cho hộ nghèo cũng đã đạt được những thành công về nhiều mặt: Nhiều tỉnh đã hoàn thành sớm so với kế hoạch, tạo điều kiện ổn định chỗ ở cho các hộ nghèo để yên tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo; huy động được nhiều nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo được niềm tin trong nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Những hạn chế cần sớm khắc phục
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập làm giảm hiệu quả đầu tư trong quá trình thực hiện các DA-CTMT.

Trước hết, tại các địa phương đang diễn ra tình trạng có quá nhiều chính sách, chương trình trùng mục tiêu cùng thực hiện trên một một địa bàn; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn còn nhiều bất cập, đặc biệt là các địa phương chưa chủ động thực hiện lồng ghép dẫn tới đầu tư dàn trải, phân tán, khó quản lý điều hành tập trung thống nhất. Công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp thực hiện đối với một số chính sách, DA-CTMT còn hạn chế.

Bên cạnh đó là tình trạng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các DA-CTMT còn ban hành chậm, thiếu đồng bộ, nội dung, tiêu chí lạc hậu, chưa bám sát thực tế. Điển hình như khi thực hiện Chính sách 30a, các quy định về đầu tư, đấu thầu không phù hợp với đặc thù và năng lực tổ chức thực hiện ở các huyện nghèo nhưng chưa có văn bản trình cơ chế đặc thù theo tinh thần của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nghiên cứu bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện một số quy định để tránh chồng chéo và phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương như: Chính sách hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; chính sách hỗ trợ một lần để mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi .v.v...

Trong công tác phân bổ, sử dụng vốn, tình trạng bố trí vốn không đúng nội dung, sai nguồn vốn; không phân bổ hết nguồn vốn trong năm; bố trí vốn hoặc triển khai chậm dẫn đến không sử dụng hết nguồn kinh phí, phải chuyển nguồn sang năm sau xảy ra tại nhiều đơn vị, địa phương. Việc sử dụng vốn tại một số địa phương cũng xảy ra tình trạng thực hiện giải ngân thấp so với số vốn được giao; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn tài trợ, ủng hộ chưa đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả; còn tình trạng chi sai đối tượng, mục tiêu hoặc chi hỗ trợ không đúng định mức... Những bất cập này làm cho nhiều DA-CTMT chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và phát huy hiệu quả của các chính sách, KTNN đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, sửa đổi cơ chế điều hành thực hiện các DA-CTMT theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý cũng như các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện mục tiêu và quản lý kinh phí; có giải pháp để các địa phương tăng cường đầu tư, bố trí vốn đối ứng nhằm đảm bảo nguồn lực trong triển khai thực hiện.

Đặc biệt, đối với Chính sách 30a, KTNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí kinh phí phù hợp từ ngân sách T.Ư để đầu tư cho 62 huyện nghèo, giúp các địa phương chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương gắn việc thực hiện mục tiêu của Chính sách 30a với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để khắc phục tình trạng trùng chéo giữa các chương trình, KTNN đề xuất Chính phủ xem xét, quy định việc hỗ trợ các huyện nghèo bằng một chương trình mục tiêu chung (bao gồm tất các các DA-CTMT, các nhiệm vụ chi trên địa bàn huyện nghèo) để giảm đầu mối, tập trung nguồn lực cho việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện, KTNN cho rằng, cùng với việc tiếp tục ưu tiên nguồn lực từ các chương trình, dự án, vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các huyện nghèo thì cần tăng cường vận động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và các thành phố lớn tài trợ cho các huyện nghèo.

Theo Báo Kiểm toán (Số 36/2013)