(kiemtoannn.gov.vn) - Việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN được cho là chậm so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Chính phủ thể hiện quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.
Tái cấu trúc DNNN còn chậm
Tại buổi Tọa đàm “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” do Ban Kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức, GS.TS Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Sắp xếp, đổi mới DNNN là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu mới của nền kinh tế, hoạt động của DNNN đã bộc lộ những hạn chế như: trình độ công nghệ lạc hậu, quản trị DN hiệu quả thấp, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả... Đồng thời, DNNN cũng gặp những vướng mắc từ phía quản lý của Nhà nước như: việc phân định chức năng quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu Nhà nước chưa rõ; thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước còn thiếu chặt chẽ... Chính vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới, điều chỉnh, bổ sung cơ chế quản lý đối với DNNN phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.
Ông Hoàng Nguyên Học - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, phương án sắp xếp đổi mới theo chương trình tái cấu trúc DNNN hiện nay đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. Chính phủ yêu cầu đến năm 2015 phải thực hiện xong, nhưng thực tế diễn ra rất chậm bởi những hạn chế như: phương án cổ phần hóa (CPH) DN được xây dựng không triệt để, có những DNNN không cần giữ vốn chi phối nhưng vẫn muốn giữ vốn chi phối, thậm chí có khi giữ tới 70% đến 80%. Hầu hết DN làm ăn khó khăn và không xử lý tồn tại tài sản, tài chính, công nợ và cả lao động dôi dư trước khi CPH. Mặt khác, khi CPH, các Bộ, ngành, địa phương chưa giải quyết dứt điểm chính sách với lãnh đạo DNNN. Do đó, có tình trạng nhiều Bộ, ngành, địa phương đã giải quyết theo hướng lãnh đạo già thì cho về hưu, lãnh đạo trẻ thì vẫn giữ lại làm lãnh đạo. Điều này dẫn đến tình trạng, đáng ra phải bán hết vốn thì nhiều DN vẫn giữ lại để dành vị trí cho lãnh đạo cũ.
PGS.TS Phạm Hồng Chương - Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để đẩy nhanh quá trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, cần định vị lại vai trò, vị trí của DNNN. Nhà nước chỉ nắm giữ một số lượng hạn chế các DN có vai trò cốt lõi trong các khu vực công, tài sản chiến lược quốc gia. Đồng thời cần xây dựng bộ khung chuẩn về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý DNNN song song với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ này.
TS Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) kiến nghị cải cách cơ chế đại diện chủ sở hữu Nhà nước theo hướng tập trung và chuyên nghiệp; cải cách hệ thống trách nhiệm và khuyến khích việc quản trị DNNN theo hướng người đại diện vốn chủ sở hữu là người quản lý của Nhà nước, người điều hành DNNN được hưởng lợi ích theo cơ chế thị trường...
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, số lượng DNNN hiện còn lớn (1.284 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 1.200 DN khác Nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách làm đầu mối thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước ở các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước quy mô lớn, bao gồm cả SCIC. Đề xuất này nhằm tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước (tách DNNN khỏi các Bộ).
Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, không chạy theo tăng trưởng quá nhanh, để tạo đà vững chắc cho những nhiệm kỳ sau. Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, tái cơ cấu DN trọng tâm là DNNN là 1 trong 3 lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định cho từng Tập đoàn và tinh thần là các Tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ tập trung vào ngành nghề chính. Quan điểm của Chính phủ là giữ DNNN để phục vụ phát triển một số ngành sản xuất thực sự cần thiết cho quốc gia chứ không giữ DNNN như một phương thức kinh doanh lấy lãi cho Chính phủ. Nên về cơ bản, các DNNN được thành lập hay tiếp tục duy trì là để thực hiện nhiệm vụ đó.
Về vấn đề thoái vốn, GS.TS Vương Đình Huệ cho rằng, có những quy định đúng nhưng không làm rõ thì DN khó thực hiện. Cụ thể như việc thoái vốn, CPH là đúng, nhưng thị trường chứng khoán đang như thế này thì CPH thế nào? Ngoài ra, theo ông Huệ, yêu cầu “thoái vốn theo nguyên tắc thị trường nhưng phải bảo toàn vốn Nhà nước” tuy giúp cho người làm chính sách yên tâm nhưng lại khó trong quá trình thực hiện. Bởi có thể lúc này thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách, sau đó dùng ngay tiền này đầu tư vào thương vụ có lợi hơn, hoặc thay vì để lỗ triền miên thì nên cắt lỗ sớm.
Liên quan đến vấn đề thoái vốn, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ vốn là cựu chiến binh nên thường nói vui: “Trên chiến trường cũng thế, có lúc tấn công, có lúc rút lui, nhưng khi rút lui cũng phải có trật tự, có tổ chức chứ không phải bỏ chạy”. Chính phủ cương quyết chỉ đạo phải thoái vốn vì vốn này là vốn của Nhà nước nên phải có lộ trình chặt chẽ để đảm bảo lợi ích của Nhà nước và không làm rối thị trường.
Theo Báo Kiểm toán (Số 36/2013)