Hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng năm 2011: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vốn

(kiemtoannn.gov.vn) - Kinh doanh có hiệu quả nhưng lợi nhuận không cao, thậm chí giảm so với năm 2010; đặc biệt một số hoạt động vẫn mang tính rủi ro cao, nguy cơ mất an toàn vốn lớn... là những vấn để nổi lên qua kết quả kiểm toán năm 2012 đối với hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng (TC-NH) năm 2011.

Năm 2012, KTNN đã tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 6 tổ chức TC-NH. Kết quả kiểm toán cho thấy, về cơ bản các tổ chức TC-NH được kiểm toán đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội được giao, kinh doanh có hiệu quả hoặc có chênh lệch thu lớn hơn chi, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, song hầu hết lợi nhuận không cao hoặc giảm so với năm 2010. Chẳng hạn như tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lợi nhuận trước thuế năm 2011 là 4.149,2 tỷ đồng, giảm 10,2% so với năm 2010; Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là 102 tỷ đồng, giảm 1,21% so với năm 2010…Đặc biệt, tại nhiều thời điểm trong năm 2011, một số đơn vị không đảm bảo một số tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN; một số hoạt động của các tổ chức TC-NH chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn, chưa thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong việc hạn chế, không khuyến khích đầu tư, cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Góp vốn đầu tư liên doanh, liên kết kém hiệu quả
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra rằng, tại các đơn vị được kiểm toán hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận đều có hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết. Song, hiệu quả của các khoản đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết còn thấp. Tỷ lệ thu nhập từ hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần trên tổng giá trị đầu tư năm 2011 của BIDV đạt từ 3,1% đến 3,4%; MHB là 0,07%; Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí (PVI), tỷ suất lợi nhuận đầu tư dài hạn so với số vốn đầu tư dài hạn bình quân là 5,01% và  70,7% giá trị các khoản đầu tư dài hạn có hiệu quả đầu tư thấp hoặc chưa có hiệu quả. Thậm chí, tại một số đơn vị nhiều khoản đầu tư không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm giá trị kể từ thời điểm đầu tư và có nguy cơ mất vốn cao. Điển hình như tại BIDV, PVI... Đáng lo ngại hơn là một số hoạt động có nguy cơ mất vốn lớn như tại MHB. Ngoài ra, Công ty cổ phần Chứng khoán MHB còn không tuân thủ quyết định của Hội đồng quản trị về việc tạm dừng hoạt động tự doanh, phong tỏa tài khoản sau khi cho vay không đúng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Các công ty tài chính thua lỗ và mất vốn
Nguy cơ mất an toàn vốn của các tổ chức TC-NH còn được KTNN cảnh báo qua kiểm toán việc huy động vốn và sử dụng vốn tại các công ty tài chính năm 2010 và 2011 của 8 công ty tài chính thuộc 8 tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, hầu hết các công ty không thực hiện được chức năng đầu mối tập trung nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi từ các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty. Trong tổng số vốn huy động, số vốn huy động của các đơn vị trong nội ngành cuối năm 2010 là 6.823 tỷ đồng, chiếm 17,16% và cuối năm 2011 là 6.008,69 tỷ đồng, chiếm 9,41% tổng nguồn vốn huy động. Nguồn vốn huy động trong năm 2011 cũng giảm 22% và tổng mức tăng trưởng tín dụng giảm 11% so với năm 2010.

Trong hoạt động cho vay, việc cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng cao so với nguồn vốn huy động trung, dài hạn. Cụ thể, tỷ trọng cho vay trung, dài hạn tại thời điểm 31/12/2010 chiếm 37,42%, tại thời điểm 31/12/2011 chiếm 41,48%, trong khi vốn huy động trung, dài hạn năm 2010 là 8,8% và 2011 là 6,3%.  Trong khi đó, nhiều đơn vị như Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel; Công ty Tài chính CP Sông Đà… chưa xây dựng quy chế miễn, giảm lãi suất cho hoạt động tiền gửi khi giảm lãi suất cho các tổ chức tín dụng để thu hồi các khoản tiền gửi bị quá hạn dẫn đến nhiều khoản cho vay tiềm ẩn rủi ro và gặp khó khăn trong thu hồi vốn; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng qua các năm (năm 2010 là 0,13%, năm 2011 là 0,84%).

Hiệu quả các khoản đầu tư của các công ty tài chính còn thấp, chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu của các công ty. Điển hình như Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam đầu tư vào Quỹ đầu tư chứng khoán Hà Nội; hầu hết các công ty tài chính được kiểm toán đầu tư cổ phiếu niêm yết năm 2010, 2011 đều thua lỗ và phải trích lập dự phòng, trong đó, hoạt động đầu tư chứng khoán niêm yết của Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà lỗ 41 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác thẩm định, quyết định đầu tư còn sai sót, không tuân thủ đúng quy định của đơn vị và của Nhà nước; việc cân đối giữa nguồn vốn huy động và sử dụng vốn không phù hợp, dẫn đến một số thời điểm không đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định.

Nợ xấu tăng, dư nợ tín dụng thấp
Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, từ năm 2012 đến nay hoạt động của các tổ chức TC- NH đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro, đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng, dư nợ tín dụng thấp... Trước tình trạng này Chính phủ và NHNN đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức TC - NH; đưa ra nhiều chính sách quyết liệt nhằm xử lý nợ xấu cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, cơ cấu nợ và xử lý các tài sản bảo đảm. Hệ thống ngân hàng đã triển khai quyết liệt Quyết định 780/QĐ-NHNN từ ngày 23/4/2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Tính đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm là 284,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, từ tháng 7/2013, NHNN đã chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.  Hoạt động của VAMC tập trung vào việc: mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản đảm bảo; cơ cấu các khoản nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay… Ngoài ra, VAMC sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn về pháp lý, chính sách thuế… cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng…
 
Theo Báo Kiểm toán (Số 35/2013)