Thành lập Hội đồng tiền lương Quốc gia

(kiemtoannn.gov.vn) - Mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 1055/QĐ – TTg thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia, do Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân làm Chủ tịch hội đồng.

Hội đồng gồm Ba phó chủ tịch: Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Các Ủy viên hội đồng theo số lượng và cơ cấu quy định tại điểm c, khoản 1, điều 5 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Bao gồm 11 ủy viên: 4 ủy viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 4 ủy viên là đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 01 ủy viên là đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; 02 ủy viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở Trung ương có sử dụng nhiều lao động.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, nhiệm kỳ 5 năm. Trường hợp thay đổi nhân sự các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch thì Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh xã hội trình Thủ tướng xem xét và quyết định.

Hội đồng trách nhiệm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ. Theo đó, Hội đồng thực hiện chức năng tư vấn cho Chính phủ về điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu vùng với những nhiệm vụ cụ thể như: phân tích tình hình kinh tế-xã hội, mức sống dân cư để xác định, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng, mức tiền lương trên thị trường lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp để xây dựng và khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng hằng năm và từng thời kỳ. Nghiên cứu, khuyến nghị với Chính phủ mức lương tối thiểu theo giờ áp dụng đối với một số nghề, công việc không thường xuyên hoặc làm việc không trọn thời gian. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá việc phân vùng địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh, bổ sung phân vùng địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng…

Quyết định này cũng quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh Xã hội quyết định sử dụng bộ máy làm việc của Bộ Lao động – Thương binh Xã hội làm bộ phận thường trực giúp việc cho Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng được quyết định thành lập bộ phận kỹ thuật; ban hành quy chế làm việc của Hội đồng, bộ phận kỹ thuật và bộ phận thường trực./.

Hải Toàn