(kiemtoannn.gov.vn) - Cũng trong buổi chiều ngày làm việc ngày thứ 10, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII - ngày 30/5/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội về nợ xấu và tiến trình xử lý nợ xấu.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong thời gian vừa qua toàn hệ thống đã rất tích cực tham gia vào việc quản lý nợ xấu. Thông qua nhiều giải pháp khác nhau, cụ thể:
Hệ thống ngân hàng đã tích cực tham gia vào việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Chỉ sau gần 1 năm thực hiện, từ tháng 4 năm 2012 đến nay, tổng số nợ ngân hàng đã cơ cấu lại cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp đã lên tới 284 nghìn tỷ đồng. Chiếm tới xấp xỉ 10% của tổng dư nợ.
Hệ thống ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012 tổng số nợ xấu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro là xấp xỉ 70 nghìn tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2013, đã tiếp tục xử lý bằng nguồn này là được 7,5 nghìn tỷ. Tiếp tục trích lập dự phòng được 68 nghìn tỷ, để đến cuối năm 2013, tiếp tục xử lý nợ xấu bằng nguồn này. Như vậy, với những nỗ lực của chính hệ thống ngân hàng đã tháo gỡ được một phần rất lớn nợ xấu. Do vậy đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của nợ xấu trong thời gian qua khi điều kiện kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện nhiều.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tích cực tìm ra các giải pháp khác để góp phần tháo gỡ cho xử lý hàng tồn đọng cũng như xử lý nợ xấu nói chung. Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt vào đầu tháng 3/2013 và được Chính phủ chính thức thông qua Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam vào đầu tháng 5/2013. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai các bước tiếp theo để sớm đưa Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam vào hoạt động. Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong năm 2013 công ty này sẽ có thể góp phần vào việc giải quyết nợ xấu từ 40 nghìn tỷ - 70 nghìn tỷ đồng - cũng là một con số góp phần giải quyết thêm nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành, đặc biệt là với Bộ Xây dựng trong việc đưa ra gói hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, người có thu nhập trung bình mua nhà ở xã hội. Để góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng này trong hoàn cảnh hiện nay có thể mua được nhà ở nhưng cũng góp phần để giải quyết tồn kho trong thị trường bất động sản. Theo dự toán của Ngân hàng Nhà nước, gói 30 nghìn tỷ đồng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, các Ngành và các cấp chính quyền địa phương, trong năm 2013 sẽ cố gắng phấn đấu giải ngân được ít nhất là từ 15 nghìn tỷ đồng đến 20 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đưa ra rất nhiều các gói hỗ trợ khác. Gần đây nhất là gói hỗ trợ cho trồng cây cà phê của Tây Nguyên khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những gói tương tự để tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực khác nhau, giải quyết hàng tồn kho./.
K.Vy