Để các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, cần có chính sách phân vùng để xóa đói, giảm nghèo

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều ngày 30/5/2013, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội về xóa đói giảm nghèo.

 Mới lo cho hộ nghèo con cá chứ chưa cho cần câu và kỹ thuật câu cá.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Hồng Phong - Hậu Giang đặt câu hỏi: Cuối năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm là 9,64% giảm 2,12% so với cuối năm 2011, số liệu báo cáo với Quốc hội giảm 1,76%; vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra 2%. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 7%, số đã báo cáo Quốc hội 4%. Tình trạng thiếu đói giáp hạt đã giảm đáng kể, số hộ đói giảm 27,6% so với 2011. Như vậy, việc giảm nghèo có thật sự không? có thật sự chưa, có bền vững chưa?

Đại biểu Phạm Hồng Phong cho rằng, công tác xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua chưa đồng bộ, chỉ mang tính hỗ trợ sản xuất ở một khâu sản xuất nào đó mang tính nhất thời. Việc xác định cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất với từng đối tượng hộ nghèo đôi khi chưa phù hợp. Việc tổ chức tập huấn kỹ thuật mô hình làm ăn có hiệu quả của các địa phương chưa thu hoạch kết quả. Chúng ta mới chỉ lo cho các hộ nghèo con cá, chứ chưa cho họ cần câu và kỹ thuật câu cá.

Ngoài ra còn một số Bộ, Ngành thực hiện chưa triệt để theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã làm người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm. Đại biểu Phạm Hồng Phong đưa ra ví dụ điển hình: Chính phủ chủ trương xây dựng kho chứa lúa để thu mua lúa cho người nông dân, nhưng khi đến vụ thu hoạch lại xây dựng kho chứa gạo nhằm thu lợi cho các Tổng công ty lương thực. Địa phương khuyến khích người nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, các Tổng công ty lương thực lại ký xuất khẩu gạo chất lượng thấp để kiếm lời. Hậu quả là người nông dân không bán được lúa, tiền nợ phân bón, thuốc trừ sâu, nợ ngân hàng vẫn còn đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ và giảm hiệu lực quản lý nhà nước của địa phương.
 
Được biết, để giảm hộ nghèo một cách bền vững theo nghị quyết của Quốc hội đã đề ra năm 2013 Chính phủ đã có giải pháp như triển khai Chương trình 135 giai đoạn 3, trợ giúp xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, thực  hiện cơ chế chính sách hỗ trợ về sản xuất, đời sống đối với người dân tộc thiểu số, đẩy mạnh dạy nghề, tạo việc làm nâng thu nhập cho người lao động, gắn dạy nghề với tạo việc làm cho người lao động nông thôn, giải quyết nhà ở đối với 71.000 hộ người có công.
 
Bàn về giải pháp giảm hộ nghèo một cách bền vững, đại biểu Phạm Hồng Phong cho rằng, các địa phương cần rà soát lại đối tượng thuộc diện nghèo - đó là cơ sở cho việc lập chương trình cụ thể trước mắt và lâu dài, có kiểm tra, giám sát và có sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa, tạo vốn cho người nghèo sản xuất, kinh doanh. Tập trung xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. "Cần phát triển Quỹ xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn vốn ổn định và tăng quy mô, phạm vi cho vay. Phải đổi mới chính sách đối với người nghèo trong đó phải đổi mới chính sách giao đất, giao rừng cho người dân tộc thiểu số, người miền núi gắn phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng. Sửa đổi Luật đất đai cần quan tâm đến điều này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải thường xuyên đưa ra những mô hình làm ăn có hiệu quả để các địa phương học tập. Cần tăng cường cán bộ cơ sở cho vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo. Có chính sách khuyến khích đối với đối tượng này. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo." - đại biểu Phạm Hồng Phong nhấn mạnh.

Đồng tình với những kiến nghị "Thoát nghèo bền vững" của đại biểu Phạm Hồng Phong, đại biểu Thích Thanh Quyết - Quảng Ninh cho rằng: Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của nhân dân, đặc biệt vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống của nhân dân được an cư lạc nghiệp, xã hội mới được bình yên. Các cử tri ở vùng đặc biệt khó khăn đề xuất Chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ đối với vùng đặc thù là hỗ trợ theo vùng, tạo cho cả vùng có cơ sở hạ tầng tốt để họ tự thoát nghèo một cách bền vững.

Đại biểu Mã Điền Cư - Quảng Ngãi đưa ra những ví dụ điển hình về kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao: Yên Bái còn 59,98% hộ nghèo, Quảng Ngãi còn 45,5% và Quảng Bình còn 42,2% hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của những vùng này còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, còn một số thôn bản chưa có điện, đường, cầu... "Nguyên nhân chủ yếu là do sự chồng chéo trong hệ thống chính sách, đó là sự chồng chéo về nội dung. Điển hình như chính sách hỗ trợ về nước sạch và môi trường có tới 6 chính sách; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nhà văn hoá có tới 5 chính sách. Chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ xây dựng trạm y tế có 4 chính sách." - Đại biểu Mã Điền Cư nói. 

    
                                        Trẻ em nghèo Mù Căng Chải

Có một thực trạng là trong xây dựng hệ thống chính sách xoá đói giảm nghèo, hiện chưa có chính sách phân vùng để phát triển và hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung cho các vùng dân tộc thiểu số. Chưa có chính sách kết nối sản phẩm của các vùng này với thị trường. Bởi vì những chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện hành mới chỉ dừng lại ở các chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển.
 
Thực tế, nguồn lực thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo hiện chưa đủ mạnh vì các chính sách xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số thường đưa ra mục tiêu phấn đấu cao, quá nhiều chỉ tiêu cần đạt. Trong khi định mức vốn cho huyện, xã, thôn, bản chưa tương xứng với mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. "Nghị quyết 30a của Chính phủ buộc đề án các huyện cần 3.000 tỷ đồng trong khi đó năm 2009 ngân sách nhà nước chỉ đầu tư được 25 tỷ đồng, năm 2010 được 20 tỷ đồng hay Chương trình 135 giai đoạn 2 vốn đầu tư hỗ trợ trong 5 năm bình quân mới đạt được 5,2 tỷ đồng/ xã. Nhưng nhu cầu đầu tư hỗ trợ mỗi xã khoảng 20 tỷ đồng. Mặt khác, công tác chỉ đạo điều hành chính sách xoá đói giảm nghèo thường mang tính liên ngành, dẫn đến việc phối hợp điều hành chỉ đạo thống nhất về cơ chế quản lý và thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc ban hành văn bản hướng dẫn không kịp thời, thường kéo dài." - đại biểu Mã Điền Cư tiếp tục đưa ra ví dụ cụ thể.

Đại biểu Phương Thị Thanh - Bắc Kạn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành thống nhất và sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhất là các chương trình dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng thuộc Chương trình 135 giai đoạn 3 để các địa phương áp dụng thực hiện và giao thẩm quyền cho địa phương chủ động quyết định trong quá trình thực hiện.

 Giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng chính sách cho vay đối với hộ nghèo
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải trình những vấn đề liên quan đến giảm nghèo mà các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị trong phiên thảo luận.

Có một số đại biểu băn khoăn về tỷ lệ giảm nghèo trong báo cáo dự kiến cuối năm 2012 là 1,76% và báo cáo chính thức gần đây là 2,3%, Bộ trưởng cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề giảm nghèo, từ Trung ương đến địa phương đều thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo. Trong chương trình thực hiện công tác giảm nghèo, mỗi địa phương hàng năm đều phải rà soát, đánh giá chỉ tiêu giảm nghèo từ cơ sở trở lên. Trên cơ sở rà soát, đánh giá của từng tỉnh và có báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ có yêu cầu báo cáo này phải báo cáo trước Hội đồng nhân dân, tổng hợp lên thì tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,6%, tuy nhiên cũng như nhiều ý kiến đại biểu phát biểu, trên cơ sở tiêu chí về hộ nghèo vẫn giữ theo chuẩn ngày 01 tháng 01 năm 2011: nông thôn 400 nghìn đồng/người/tháng và ở thành thị là 500 nghìn đồng/người/tháng. Trên cơ sở đánh giá này, Bộ yêu cầu rà soát, kiểm tra, tại một số tỉnh, Lãnh đạo tỉnh đều khẳng định, số liệu các báo cáo là đúng.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đưa ra con số thực về tỷ lệ hộ nghèo: cùng trong tỷ lệ cả nước chỉ có 9,6% hộ nghèo nhưng ở vùng núi Đông Bắc còn trên 17%, hay Tây Bắc còn gần 30%, nhưng trong đó Tây Nguyên là 15%, Đông Nam Bộ chỉ còn 1,2%, nghĩa là thật sự thì cái chuẩn nghèo ta chưa điều chỉnh, vẫn là ở mốc 01 tháng 01 năm 2011.

Được biết, ngày 22/4/2013, Hội nghị sơ kết về công tác giảm nghèo trong hai năm đã đánh giá khẳng định chính sách giảm nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực và cơ bản đồng tình với số liệu của các địa phương báo cáo về tỷ lệ hộ nghèo. Ban chỉ đạo đã chỉ đạo rà soát lại các chính sách hộ nghèo để sắp xếp lại cho hợp lý với cùng một đối tượng. Chủ trương giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp mà thay bằng chính sách cho vay để tạo cơ sở cho các đối tượng được vay cũng đã được thống nhất từ TW tới địa phương.

Năm 2012, mặc dù kinh tế - xã hội hết sức khó khăn nhưng kinh .phí dành cho chương trình giảm nghèo và các hộ nghèo, những đối tượng người nghèo không giảm, thậm chí tăng một số chính sách, cụ thể: chính sách khám, chữa bệnh đã dành 23.300 tỷ đồng cho 29 triệu người nghèo thực hưởng chính sách bảo hiểm y tế. Trợ giúp mệnh giá cho 70% hộ cận nghèo được mua bảo hiểm y tế. Nhà nước cũng dành 11.844 tỷ đồng hỗ trợ cho học sinh nghèo. Đối với chính sách hỗ trợ cho đất sản xuất, hỗ trợ cho đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ cho tín dụng ưu đãi, đã hỗ trợ cho trên 1 triệu hộ được vay vốn này và với kinh phí 37.400 tỷ.
 
Sau 2 năm thực hiện Nghị định 167, Quyết định 67 bổ sung về hỗ trợ chính sách cho hộ nghèo, đã có 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ về chính sách nhà ở với kinh phí 2.741 tỷ đồng. Mặt khác, Chính phủ đã huy động các doanh nghiệp hỗ trợ cho các hộ nghèo và các địa phương nghèo với tổng kinh phí 2.000 tỷ đồng. Chính vì vậy tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước hiện chỉ còn 2.100 hộ so với 22.000 trước đây./.

Thúy Vy