Theo Quy chế, KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp triển khai các nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, cũng như tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương. Ba Cơ quan sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; tổ chức tọa đàm, hội thảo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật;…
Phát biểu tại Hội nghị, Đ/c Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong những năm qua tỉnh Lạng Sơn đã nhận được những kiến nghị kiểm toán xác đáng của KTNN qua các đợt kiểm toán về ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương; giúp lãnh đạo địa phương chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng chí cũng khẳng định, với tinh thần cầu thị, HĐND và UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN trong công tác lập kế hoạch kiểm toán; cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình đầy đủ các vấn đề có liên quan theo yêu cầu của KTNN. Lãnh đạo tỉnh đề nghị KTNN nói chung, KTNN khu vực X nói riêng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Quy chế phối hợp, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, KTNN có chức năng kiểm tra để phát hiện những sai phạm, tồn tại hạn chế; xác nhận số liệu trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và nguồn lực quốc gia; qua đó, đưa ra ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến chính sách, cơ chế và quản trị. Cùng với đó, hoạt động kiểm toán của KTNN có tác dụng phòng ngừa, cảnh báo; hạn chế các rủi ro, sai phạm, thiếu sót trong công tác quản lý ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và nguồn lực quốc gia. Xã hội, công chúng thừa nhận và công nhận giá trị, lợi ích của KTNN, đặc biệt trong thời gian gần đây, cùng với việc thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, KTNN mở rộng phạm vi kiểm toán, tăng cường kiểm toán hoạt động, tập trung kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, dễ xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí như: lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý nhà ở, phát triển đô thị, thị trường bất động sản; kiểm toán việc thực hiện các chính sách xã hội như chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, chính sách hỗ trợ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167… Kế hoạch kiểm toán trung hạn cũng đặt trọng tâm vào kiểm toán, đánh giá hiệu quả, hiệu lực của Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, gồm: Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và tái cấu trúc đầu tư công...
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định Quy chế phối hợp lần này sẽ là cơ sở nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa KTNN và HĐND, UBND tỉnh đồng thời đề nghị ba cơ quan chủ động, tích cực hơn trong vấn đề thông tin, bàn bạc, trao đổi các nội dung theo Quy chế được ký kết; định kỳ tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, vì mục tiêu chung là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước cũng như quản trị công.
Nhân dịp này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KTNN” - phần thưởng cao quý nhất của KTNN cho 5 đồng chí lãnh đạo thuộc tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có công lao đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN.
Cùng ngày, KTNN tổ chức Hội nghị công bố quyết định kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2012 tại tỉnh Lạng Sơn./.
Hà Linh