Tọa đàm trao đổi về vai trò của kiểm toán trong phòng chống tham nhũng giữa kiểm toán nhà nước hai nước Việt Nam - Hungary

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 9/1, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cùng đại diện lãnh đạo Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Tổng hợp đã tọa đàm với đoàn cán bộ cấp cao Kiểm toán Nhà nước Hungary nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Chủ tịch KTNN Hungary ông László Domokos và Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nhân lực ông János Elek cùng tham dự tọa đàm.

Theo ông Vũ Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - KTNN, với vị thế cơ quan kiểm tra tài chính, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, luật Phòng chống tham nhũng 2005 cũng xếp KTNN vào nhóm các cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng như Thanh tra Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án... Các quy định của pháp luật như vậy đã giúp KTNN hoạt động có hiệu quả khi tham gia kiểm toán phòng chống tham nhũng. Thực tiễn qua 18 năm hoạt động, kết quả các hoạt động về phòng chống tham nhũng góp phần lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia của KTNN đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ghi nhận. Hàng năm, KTNN đã kiến nghị thu hồi về NSNN, giảm chi, tăng thu... hàng nghìn tỉ đồng. Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị về điều chỉnh quyết toán, loại bỏ các khoản chi không đúng chế độ, góp phần tiết kiệm, tăng thu cho NSNN. Hoạt động của KTNN Việt Nam đang góp phần ngăn chặn có hiệu quả các hành vi tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước.
 
Chia sẻ hoạt động kiểm toán trong phòng chống tham nhũng, ông János Elek, Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nhân lực KTNN Hungary cho biết, Quốc hội Hungary đã giao cho KTNN Hungary nhiệm vụ cải thiện tình hình tham nhũng làm lành mạnh nền tài chính công. Ở Hungary, những nguy cơ dẫn đến tham nhũng thường tiềm ẩn trong lĩnh vực sử dụng nguồn tài trợ của EU, lĩnh vực mua bán công, hoạt động cấp phép của các cơ quan thẩm quyền, hỗ trợ dịch vụ... Năm 2009 trên cơ sở chương trình hỗ trợ của EU, KTNN Hungary xây dựng dự án đi sâu vào tính liêm chính của con người. Nội dung quan trọng của dự án này là nghiên cứu nguy cơ dẫn đến tham nhũng và nâng cao tính liêm chính nhằm phòng và tránh tác động tham nhũng với đối tượng. KTNN Hungary cũng nhấn mạnh việc tăng cường tính minh bạch của các dự án này qua việc nâng cao chất lượng kiểm toán và công khai kết quả.

Chủ tịch KTNN Hungary, ông László Domokos cho biết thêm, nhiệm vụ của cơ quan KTNN Hungary là phát hiện những vụ tham nhũng để xử lý và nâng cao sức đề kháng của các cơ quan nhà nước thông qua việc phòng chống tham nhũng. Để làm tốt nhiệm vụ này, năm 2011 KTNN Hungary đã thay đổi cơ cấu bộ máy, cơ cấu tổ chức theo hệ thống phân cấp và chia ra thành bộ máy tham mưu, tư vấn và thực hiện. Từ năm 2012, KTNN Hungary thành lập một bộ phận gọi là Trung tâm quản lý rủi ro, nhiệm vụ của Trung tâm này là phân tích nguy cơ, lựa chọn những đối tượng tiến hành kiểm toán và lĩnh vực để kiểm toán và chuyển những đối tượng được lựa chọn sang bộ phận thực hiện. Việc cơ cấu bộ máy như vậy giải quyết được hai vấn đề đó là tập trung sâu vào chuyên môn và chuyên môn hóa việc thực hiện kiểm toán.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao những chia sẻ kinh nghiệm của KTNN Hungary trong lĩnh vực kiểm toán phòng chống tham nhũng và cho biết, KTNN Việt Nam sẽ nghiên cứu, lựa chọn những phương pháp, cách triển khai của KTNN Hungary để đưa vào xây dựng chương trình hành động phù hợp với đặc thù của KTNN Việt Nam.
 
Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN Việt Nam là phối hợp với các cơ quan pháp luật sửa đổi, bổ sung pháp luật về phòng chống tham nhũng. Do đó, để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong  thời gian tới, KTNN sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép KTNN triển khai thực hiện đề án “Kiểm toán trách nhiệm kinh tế trong nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước và các tổ chức kinh tế Nhà nước”. Đồng thời KTNN xác định phải hoàn thiện, xác định cơ chế thông tin giữa các cơ quan về giải quyết đơn thư được gửi đến nhiều cơ quan và xử lý các vụ, việc tham nhũng có liên quan đến nhiệm vụ của nhiều cơ quan khác nhau; sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng, Luật KTNN theo hướng bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, KTNN sẽ nâng cao năng lực chuyên môn và tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

T.H