Quy chế quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công quy định rõ việc quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công, bao gồm phát hiện rủi ro, đánh giá mức độ rủi ro, xử lý rủi ro và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công. Các giao dịch phát sinh gồm: Giao dịch quyền chọn và hoán đổi; các nghiệp vụ tái cơ cấu nợ, gồm: Gia hạn nợ, khoanh nợ, xoá nợ, đảo nợ, hoán đổi nợ và mua lại nợ là các công cụ tài chính để xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công.
Mục tiêu quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công nhằm tối ưu hoá cơ cấu nợ công, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quản lý nợ công; đảm bảo không làm tăng nghĩa vụ nợ công đã được xử lý so với khoản nợ ban đầu đưa ra xử lý quy về giá trị hiện tại ở thời điểm xử lý rủi ro; giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với chi phí phát sinh hợp lý.
Với mục tiêu trên, Quy chế đã đặt ra những nguyên tắc xử lý rủi ro, chỉ rõ những nguyên nhân rủi ro, đồng thời đưa ra những quy trình đánh giá, dự báo rủi ro đối với những danh mục nợ công; cách tính giá trị hiện tại của khoản nợ.
Quy chế cũng đưa ra những biện pháp xử lý rủi ro của 4 loại rủi ro được quy định trong quy chế gồm: rủi ro thị trường; rủi ro thanh khoản; rủi ro tín dụng; rủi ro hoạt động.
Thẩm quyền, trách nhiệm xử lý rủi ro của Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài chính, người vay lại, người được bảo lãnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được quy định rõ trong Quy chế.
Quyết định ban hành Quy chế quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013./.