Năm 2013: Tập trung kiểm toán quản lý đất đai, quản lý khai thác tài nguyên - khoáng sản, ĐTXD từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 21/12/2012, Kiểm toán Nhà nước chính thức công bố kế hoạch kiểm toán năm 2013 theo Quyết định số 1835/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Năm 2013, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ thực hiện kiểm toán 16 Bộ ngành, 34 Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương, 25 Dự án đầu tư, 24 Doanh nghiệp nhà nước, 04 Ngân hàng thương mại, 11 Chuyên đề và 05 Chương trình mục tiêu, dự án quốc gia. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân đã dành cho Website KTNN cuộc phỏng vấn xung quanh kế hoạch kiểm toán này.

Ông có thể cho biết điểm nổi bật của kế hoạch kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước?

Theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng, ngoài kiểm toán đánh giá xác nhận Báo cáo tài chính thì năm 2013, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục mở rộng loại hình kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá hiệu lực, hiệu quả việc quản lý vốn, tài sản, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành, các chính sách, văn bản của Nhà nước.

Vì vậy, điểm nổi bật trong kế hoạch kiểm toán năm 2013 đã được KTNN xây dựng dựa trên căn cứ: Các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch giám sát của UBTVQH; Nghị quyết về dự toán NSNN, phân bổ NSTW, phân bổ dự án trọng điểm quốc gia; Các nghị quyết, văn bản pháp luật, các chỉ thị... của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành kinh tế - xã hội; Ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, ý kiến tham gia của UBTCNS của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, và đặc biệt là dựa trên các vấn đề đang được dư luận quan tâm như: quản lý đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, ĐTXD từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ...

Như vậy, kế hoạch kiểm toán 2013 của KTNN sẽ đặt trọng tâm vào những lĩnh vực nào? thưa ông.

Năm 2013, KTNN sẽ đặt trọng tâm kiểm toán vào 4 lĩnh vực cụ thể: Lĩnh vực Ngân sách nhà nước; Lĩnh vực đầu tư và chương trình, dự án; Lĩnh vực DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng và lĩnh vực kiểm toán chuyên đề.

Trong lĩnh vực kiểm toán NSNN, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, KTNN sẽ tập trung kiểm toán các tỉnh, thành phố chưa được kiểm toán năm 2012 và một số tỉnh, thành phố đã được kiểm toán trong năm 2012 nhưng có quy mô thu, chi ngân sách lớn; tiếp tục lồng ghép kiểm toán các nội dung: Quản lý sử dụng đất đai gắn với các phát triển nhà và đô thị, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản; các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; quản lý, sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010 - 2012.

Đối với các Bộ, Ngành, KTNN tập trung kiểm toán các bộ, ngành chưa được kiểm toán năm 2012, các bộ, ngành ít được kiểm toán trong thời gian vừa qua và một số bộ, ngành đã được kiểm toán trong năm 2012 nhưng có quy mô ngân sách lớn.

Điểm mới trong kế hoạch kiểm toán năm 2013 của KTNN sẽ được tập trung lựa chọn các đầu mối kiểm toán để đánh giá được việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là thực trạng đầu tư của các Bộ, Ngành, địa phương để có những kiến nghị đối với Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc đầu tư công.

Đối với lĩnh vực đầu tư và chương trình, dự án, KTNN sẽ tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng đầu tư của các Bộ, Ngành, địa phương trong năm 2012 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Đặc biệt chú trọng đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả đối với việc thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn NSNN và vốn Trái phiếu Chính phủ, nhằm cung cấp thông tin để phục vụ tốt nhất cho Chính phủ chỉ đạo điều hành đối với nhiệm vụ tái cấu trúc đầu tư công.

Đặc biệt, trong năm 2013, KTNN dành thời lượng cho  kiểm toán các dự án nhóm A, B, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình quan trọng quốc gia do các bộ, ngành, địa phương quản lý được đầu tư bằng vốn NSNN, vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn tín dụng nhà nước; từng bước đánh giá chất lượng các công trình được đầu tư; kiểm toán trong quá trình đầu tư đối với các dự án đã được kiểm toán trong năm 2012 chuyển sang.

Trong lĩnh vực DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng, sẽ tập trung kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước lớn, Ngân hàng thương mại nhà nước để đánh giá được tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt chú trọng đến hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính nhằm có những kiến nghị đối với Chính phủ, Quốc hội trong việc chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc DNNN và cơ cấu lại hệ thống các Ngân hàng thương mại nhà nước.

Qua kiểm toán hoạt động các Ngân hàng thương mại, KTNN sẽ đánh giá  việc điều hành chính sách tiền tệ có chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát hay không? trong đó tập trung đánh giá việc điều hành lãi suất, tỷ giá hối đoái, cho vay tái cấp vốn, hoạt động thị trường mở và thị trường liên ngân hàng, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; kết quả thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ.

Về lĩnh vực kiểm toán chuyên đề, KTNN sẽ tập trung vào một số chuyên đề lớn như: Việc quản lý, sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010 - 2012; Chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo; Việc cấp giấy phép và quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản; Công tác quản lý và sử dụng đất đai  gắn với phát triển nhà và đô thị, kinh doanh bất động sản; Quản lý thu từ hoạt động tạm nhập tái xuất; Quản lý sử dụng kinh phí sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đường bộ, đường sắt; Những vấn đề đang được Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội quan tâm; Những bất cập lớn được phát hiện qua kết quả kiểm toán từ những năm trước và một số Chương trình mục tiêu Quốc gia khác trên địa bàn kiểm toán được phân công cho từng đơn vị trong ngành.

Tại sao Kiểm toán Nhà nước lại dành sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề đang nóng trong dư luận như quản lý khoáng sản, đất đai?

Đất đai, khoáng sản là tài sản lớn của quốc gia, việc quản lý nhà nước đối với các tài sản này bao gồm rất nhiều vấn đề có liên quan như: đất đai liên quan đến quy hoạch, các dự án phát triển nhà và đô thị, các công trình công cộng, các khoản thu NSNN từ quản lý, sử dụng đất...

Đối với khoáng sản, ngoài việc quản lý cấp phép, thu nộp NSNN còn liên quan đến nhiều vấn đề lớn và phức tạp như: môi trường, vấn đề an ninh, quốc phòng... còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, thực tế quản lý của các bộ, ngành, địa phương trong những  năm qua; ngoài ra, còn các vấn đề nóng khác như mua, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30ª của Chính phủ ... Những nội dung này không chỉ nóng trong dư luận xã hội mà ngay cả tại các diễn đàn Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các đại biểu quốc hội... cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. KTNN với chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định có trách nhiệm góp phần cùng các cơ quan chức năng khác làm rõ những hạn chế, bất cập có những kiến nghị xác đáng đáp ứng  yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội.

Lần đầu tiên, KTNN lựa chọn chuyên đề chống thất thu NSNN với hoạt động chuyển giá của DN năm 2012 và thời kỳ trước đó. Chuyển giá đang là vấn đề nan giải không chỉ của Việt Nam mà của cả các nước phát triển. Vậy mục tiêu của KTNN với chuyên đề này là như thế nào? thưa ông.

Trong KHKT năm 2013, KTNN đã đưa vào kiểm toán chuyên đề miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế và công tác chống thất thu NSNN đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp năm 2012 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Như vậy kiểm toán công tác chống thất thu NSNN đối với hoạt động chuyển giá chỉ là một nội dung trong chuyên đề gồm nhiều nội dung.

Mục tiêu của KTNN đối với vấn đề này là qua kiểm toán phải đánh giá được tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả công tác chống thất thu của cơ quan thuế; việc ban hành cơ chế, chính sách quản lý đối với hoạt động chuyển giá của các Doanh nghiệp.

Được biết năm 2013, KTNN tiếp tục lên kế hoạch kiểm toán 24 DNNN và 4 ngân hàng thương mại - nằm trong diện tái cơ cấu nền kinh tế. Ông có thể cho biết phương thức kiểm toán được tăng cường ra sao?

Việc kiểm toán đối với DNNN và ngân hàng thương mại trong năm 2013 được định hướng với nhiều đổi mới, ngoài kiểm toán báo cáo tài chính như thông lệ, tùy theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thực tế hoạt động...

KTNN xác định những nội dung kiểm toán cụ thể đối với từng doanh nghiệp, ngân hàng đặc biệt là nội dung liên quan đến các chuyên đề kiểm toán đã được xây dựng trong KHKT năm 2013 của KTNN, một số trường hợp cụ thể như: Hiệu quả hoạt động đầu tư vốn, tài sản nhà nước, đặc biệt là hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính; Công tác khai thác tài nguyên, khoáng sản; Tình hình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; Xác định giá thành điện; Thị trường điện cạnh tranh; Công tác quản lý và sử dụng đất đai và các nghĩa vụ tài chính về đất đai; Công tác khoán sản phẩm, đầu tư nhà máy chế biến... Việc huy động vốn và chất lượng hoạt động tín dụng, đầu tư, đánh giá an toàn và hiệu quả hoạt động, việc thực hiện chính sách tiền tệ, trong đó tập trung đánh giá việc thực hiện chính sách lãi suất, tỷ giá hối đoái; Tình hình triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường…

Xin trân trọng cảm ơn ông!