Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 14/12/2012, Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp về việc hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản Dự thảo được hoàn thiện vào ngày 12/12/2012 với các nội dung các chế định: Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Bảo vệ tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; Chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Chống tham nhũng; Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.

Tại Dự thảo lần này, các vấn đề liên quan đến Kiểm toán Nhà nước đã được Dự thảo Hiến định như sau:

Về nhiệm vụ và quyền hạn Quốc hội, Khoản 2, Điều 76 quy định:“Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập".

Tại Khoản 6, Điều 76 quy định:“Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập; quyết định tổng biên chế của các cơ quan Nhà nước ở trung ương”; Tại khoản 7, Điều 76 quy định:“Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Hiến pháp, thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước; người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.”

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Khoản 3, Điều 80 quy định: “Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.”

Về Hội đồng dân tộc, Điều 83 quy định: “Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và các cá nhân, tổ chức khác cung cấp thông tin hoặc giải trình.”

Về đại liểu Quốc hội, khoản 1 Điều 86 quy định: “Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.”

Về thẩm quyền trình dự án Luật, khoản 1 Điều 90 quy định: “Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội.”

Trên cơ sở đề xuất về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước dựa trên những chỉ dẫn của INTOSAI, nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới về xác lập địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp, Nghị quyết A/66/209 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc và từ thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước ở nước ta, vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, việc bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa vào Dự thảo tại Điều 125 và Điều 126, cụ thể như sau:

- Điều 125 (mới)
1. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia.
2. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định.

- Điều 126 (mới)
“1. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
2. Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán và công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội.”

Lan Hương