Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội họp toàn thể

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 17/12/2012, tại Hà Nội, Ủy Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã họp phiên toàn thể với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Cùng dự phiên họp có Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh,  phiên họp toàn thể của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm rà soát lại một lần nữa toàn bộ Dự thảo trên cơ sở tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 13 vừa được tổ chức trong tháng 11/2012, trước khi đưa ra lấy ý kiến của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên của Ủy ban tập trung rà soát, cho ý kiến chi tiết về các điều khoản, chương mục, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. "Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp là rất quan trọng, nhằm hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân và là phương thức dân chủ nhất để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

 Đây cũng là cơ hội để các cơ quan Nhà nước ở tất cả các cấp lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhằm đáp ứng mong muốn của nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước. Vì vậy, công việc này cần phải được tổ chức một cách khoa học, chặt chẽ, đặc biệt tôn trọng nhân dân sẽ chắt lọc được tinh hoa, trí tuệ của nhân dân... nhằm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 Cũng tại phiên họp, các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập trung cho ý kiến về những nội dung lớn, quan trọng của Hiến pháp được thể hiện trong các chương, điều cụ thể của Dự thảo, trong đó tập trung vào các nội dung về chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước.

Các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập trung cho ý kiến về những nội dung lớn, quan trọng của Hiến pháp được thể hiện trong các chương, điều cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Các thành viên của Ủy ban cũng cho ý kiến, rà soát các điều khoản về chủ quyền nhân dân; Chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Bảo vệ tổ quốc; xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Thường trực Ban biên tập, Ban biên tập trong việc chủ động và khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo các ý kiến đóng góp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Kể từ ngày 2/1/2013 - 31/3/2013, người dân có thể góp ý trực tiếp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bằng văn bản, gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng.