“Cải thiện tính liêm chính là nhiệm vụ và thách thức của các tổ chức kiểm toán tối cao”

(kiemtoannn.gov.vn) - Tại Hội thảo đào tạo “Phương pháp tự đánh giá tính liêm chính dành cho cơ quan kiểm toán tối cao” do Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Tòa Thẩm kế Hà Lan và Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 13 - 14/12/2012, phóng viên Website KTNN đã có bài phỏng vấn GS.TS Heung Lyool Kim - chuyên gia của Viện Đào tạo Kiểm toán và Thanh tra thuộc Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) về vấn đề cải thiện tính liêm chính của các cơ quan kiểm toán tối cao. Website KTNN trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Giáo sư có thể chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc trong việc giảm thiểu những cơ hội vi phạm tính liêm chính của các kiểm toán viên?

Theo tôi, "tính liêm chính" là nội dung "cần và đủ" của tổ chức kiểm toán tối cao. Để hạn chế, giảm thiểu những cơ hội vi phạm tính liêm chính của các kiểm toán viên, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử riêng gồm: các giá trị và chuẩn mực nghề nghiệp - những nguyên tắc bắt buộc đối với các kiểm toán viên. Theo Bộ Quy tắc này, các kiểm toán viên khi nhận công việc tại BAI, phải tiến hành một buổi lễ đặc biêt để tuyên thệ hoặc cam kết. Theo đó, kiểm toán viên không được tham gia hoặc được xem là có tham gia trong bất kỳ vấn đề gì trong việc quản lý của các đơn vị được kiểm toán. Trong quá trình làm việc với lãnh đạo đầu mối được kiểm toán, các kiểm toán viên chỉ được đóng vai trò là người quan sát và không được tham gia vào quá trình quyết định. Những hướng dẫn do BAI ban hành nhằm đảm bảo rằng nhân viên của mình không tạo ra một mối quan hệ quá thân thiết với các đơn vị mà họ kiểm toán, để duy trì tính khách quan trong suốt quá trình kiểm toán. KTV không được phép ăn trưa, ăn tối với nhân viên bên được kiểm toán, ngoại trừ các trường hợp vô cùng đặc biệt khi chúng tôi cần phải được tiếp xúc cá nhân với đơn vị được kiểm toán.

Ngoài ra, BAI có Ban Kiểm tra và thanh tra nội bộ, các công tố viên của cơ quan công tố không thuộc BAI giám sát chặt chẽ các hoạt động của BAI, đây là cách đảm bảo tính độc lập trong thanh tra nội bộ chúng tôi.

BAI cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo dành cho các kiểm toán viên, trong đó đặt yêu cầu cao về chất lượng và các chuẩn mực hoạt động, để đảm bảo rằng công việc kiểm toán luôn chủ động, khách quan và không thiên vị, nhằm tăng thêm mức độ liêm chính của Kiểm toán viên nói riêng và của BAI nói chung.

Việc tổ chức Hội thảo kết hợp đào tạo “Phương pháp tự đánh giá tính liêm chính dành cho cơ quan kiểm toán tối cao” sẽ mang lại cho các kiểm toán viên tham gia những kết quả ra sao? thưa Giáo sư.

Tôi cho rằng một trong những lợi ích lớn khi tổ chức các Hội thảo này là các học viên có cơ hội nghĩ về vấn đề liêm chính một cách chân thành nhất. Đây là hội thảo đầu tiên BAI tham gia thuyết trình tại Việt Nam, chúng tôi hướng dẫn các kiểm toán viên của Việt Nam tìm hiểu, đánh giá khách quan về hệ thống kiểm soát nội bộ; các yếu tố, lĩnh vực hoạt động dễ bị tác động và mức độ tác động. Các học viên tham gia khóa đào tạo được chia thành 4 nhóm khác nhau, chúng tôi chủ động để các học viên có những thông tin phản biện, tự thảo luận với nhau.

Theo kinh nghiệm của tôi, thông qua Hội thảo này, các học viên sẽ hiểu sâu hơn trong việc chia sẻ với các đồng nghiệp về vấn đề liêm chính trong nội bộ tổ chức của mình. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những lợi ích lớn nhất khi chúng ta tổ chức Hội thảo - đào tạo Intosaint như thế này.

Qua trao đổi, thảo luận, các kiểm toán viên của Việt Nam sẽ nhận thức rõ hơn về vấn đề liêm chính và coi Hội thảo như một diễn đàn cởi mở để họ nói về vấn đề này một cách thoải mái, tự do và tác động lại tổ chức, khiến cho tổ chức cởi mở hơn và chấp nhận việc bàn luận đến vấn đề liêm chính một cách dễ dàng hơn. Tôi cho rằng, sẽ có sức mạnh tổng hợp khi mọi người cùng nói hay cùng bàn về một vấn đề. Tôi hy vọng kết quả Hội thảo sẽ có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến cơ quan KTNN Việt Nam.

Thưa Giáo sư, BAI có hỗ trợ nào khác cho KTNN Việt Nam trong thời gian tới đối với việc cải thiện tính liêm chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán nhà nước?

Tôi được biết, giữa KTNN Việt Nam và BAI đã có hiệp ước chung về hợp tác song phương và gần đây Chủ tịch của BAI - ông Kun Yang đã có chuyến thăm và làm việc tại KTNN VN; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Cao Tấn Khổng cũng đã có chuyến thăm và làm việc với BAI tại Hàn Quốc.

BAI đã đề xuất với KTNN Việt Nam về Dự án đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, kiểm toán viên KTNN Việt Nam. Dự án này sử dụng viện trợ của Chính phủ Hàn Quốc dành cho Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2013 – 2016. BAI đang phối hợp với KOICA Việt Nam và Bộ Kế hoạch – Đầu tư để thúc đẩy Dự án. Đầu tháng 12, BAI đã cử Đoàn chuyên gia do Tiến sĩ Kim Seong Jun – Trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kiểm toán I thuộc BAI sang làm việc với KTNN Việt Nam về Dự án đào tạo này.

Với Hiệp ước được ký kết, BAI rất sẵn lòng hợp tác với KTNN Việt Nam trong lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là trong việc tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên của KTNN Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề phương pháp đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán và trong đào tạo. Cá nhân tôi rất sẵn lòng tham gia các chương trình đào tạo giảng viên và kiểm toán viên cho KTNN Việt Nam trong thời gian tới./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Linh thực hiện