Đề án này được phê duyệt với mục tiêu bảo đảm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.
Theo Đề án, ngành nghề kinh doanh chính của EVN có mảng 4 chính: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng. Chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; Xuất nhập khẩu điện năng; Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện và thí nghiệm điện.
Vốn điều lệ của EVN sau khi đánh giá lại tài sản là 143.404 tỷ đồng
Trong giai đoạn 2012-2015, các đơn vị thuộc EVN gồm các Công ty thủy điện: Hòa Bình, Yaly, Trị An, Tuyên Quang, Sê San, Sơn La; Công ty mua bán điện; Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia; BQL Dự án thủy điện 5; BQL Dự án NM thủy điện Sơn La; BQL Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; BQL đầu tư và kinh doanh tòa nhà EVN; Trung tâm thông tin điện lực; Trung tâm công nghệ thông tin vẫn giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - EVN.
Có 9 doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm các TCT: Truyền tải điện quốc gia, Phát điện 1, Phát điện 2, Phát điện 3, Điện lực miền Bắc, Điện lực miền Trung, Điện lực miền Nam, Điện lực TP Hà Nội, Điện lực TP HCM. Có 5 doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, là các Công ty cổ phần: Tư vấn xây dựng điện 1, Tư vấn xây dựng điện 2, Tư vấn xây dựng điện 4, Cơ điện miền Trung, Cơ điện Thủ Đức. Có 6 doanh nghiệp do EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, là các Công ty cổ phần: Tư vấn xây dựng điện 3, Cơ khí điện lực, Chế tạo thiết bị điện Đông Anh, Tài chính cổ phần điện lực, Năng lượng Vĩnh Tân 3, Phong điện Bình Thuận. 4 cơ sở đào tạo thuộc EVN được giữ nguyên: Trường ĐH Điện lực, Cao đẳng Điện lực TP HCM, Cao đẳng Điện lực miền Trung và trường Cao đẳng Nghề điện.
Đề án quy định rõ, đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc thoái vốn của EVN tại: Ngân hàng Thương mại CP An Bình, CT CP chứng khoán An Bình, CT CP Bảo hiểm Toàn cầu, CT CP BĐS Sài Gòn Vina, CT CP BĐS Điện lực miền Trung, CT CP đầu tư và xây dựng Điện lực VN.
Về vấn đề tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp tại EVN, sẽ tập trung: sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của EVN đối với người đại diện vốn của EVN tại DN khác; kiện toàn tổ chức của các tổ chức đảng, đoàn thể trong EVN./.
Tường Vy