Bế mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII: Tạo chuyển biến tích cực trong năm 2013

(kiemtoannn.gov.vn) - Sau gần 1 tháng họp tại Thủ đô Hà Nội, sáng ngày 23/11/2012, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc. Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm cao với nhân dân, kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ tham gia tích cực, tâm huyết vào các nội dung của kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri và đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm.

Tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012

Chủ tịch Quốc hôi Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để phân tích, đánh giá một cách sâu sắc tình hình kinh tế xã hội nước đất nước năm 2012. Quốc hội nhận thấy trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực phấn đấu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại yếu kém, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đất nước năm 2013 - thời điểm giao thời của một giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Quốc hội xác định nhiệm vụ năm 2013 là phải tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm lạm phát thấp hơn và tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012; đẩy mạnh các đột phá chiến lược nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng an ninh và đảm bảo ổn định chính trị xã hội, tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2013. Trong đó nhóm các chỉ tiêu về kinh tế: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5% so với năm 2012; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng khoảng 10% (đạt khoảng 124,3 tỉ USD) so với năm 2012; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 8%; tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 4,8%; tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP khoảng 30%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%.

Để thực hiện các mục tiêu này, Quốc hội đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện trong giai đoạn cuối năm 2012 và năm 2013. Trong đó, giải pháp phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu. Từ nay đến cuối năm, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ như giải quyết nợ xấu, cho phép cơ cấu lại nợ các khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành công trình nhưng vốn ngân sách chưa thanh toán; giảm tồn kho, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Đây được xem là những giải pháp quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch năm 2012 cũng như tạo tiền đề cho Chính phủ hoàn thành tốt mục tiêu đề ra cho năm 2013.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại yếu kém và quyết định các chỉ tiêu, giải pháp để hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện trong từng lĩnh vực. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, chống có hiệu quả các vi phạm pháp luật và tội phạm . Năm 2013, tạo được chuyển biến tích cực, bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững trật tự xã hội, góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.


                                       Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp

9 dự án Luật quan trọng được Quốc hội thông qua
Về công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã thông qua 09 dự án Luật quan trọng, bao gồm: Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật Thủ đô; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Các Luật này đã được xem xét một cách thận trọng với tinh thần đổi mới, bảo đảm sát hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.

Đối với Luật Phòng chống tham nhũng, Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, đồng thời xác định cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng còn lâu dài, còn nhiều khó khăn và phức tạp. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành hữu quan tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng, bảo đảm cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 06 dự án Luật khác và yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức lấy ý kiến của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án Luật trình quốc hội.

Đối với Luật đất đai sửa đổi, Quốc hội đã dành thời gian thích đáng thảo luận cho ý kiến về dự thảo. Đây là một dự án luật quan trọng tác động trực tiếp đến kinh tế chính trị, xã hội, sự ổn định, phát triển của đất nước và đời sồng nhân dân. Xung quanh Luật này có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm và cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy trong kỳ họp này, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có trách nhiệm tập trung hoàn thiện dự thảo Luật, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm chất lượng, trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp sau.

Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp này. Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sửa đổi và ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quốc hội khẳng định, sửa đổi, bổ sung hiến pháp là công việc quan trọng của toàn Đảng, toàn dân nhằm đảm bảo cơ sở chính trị pháp lý cho thời kỳ phát triển mới của đất nước. Quốc hội yêu cầu Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan của Quốc hội, chính phủ, các ngành, các cấp tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến nhân dân, chắt lọc tinh hoa, trí tuệ, ý chí của toàn dân, chuẩn bị tích cực để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ hop thứ năm và thông qua văn kiện quan trọng này vào kỳ họp cuối năm 2013.

Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013. Theo đó, những chuyên đề được lựa chọn giám sát và những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; xét ở góc độ vĩ mô cần được đưa ra diễn đàn Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét; gắn với công tác xây dựng pháp luật và nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2013. Các vấn đề không trùng các chuyên đề Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát trong thời gian gần đây. Đảm bảo cân đối giữa các lĩnh vực và phạm vi giám sát, phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ quan được Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến giao chủ trì giám sát.
 
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đề nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung: Thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 (chuyên đề 1); Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012 (chuyên đề 2); Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 – 2012 (chuyên đề 3) để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2013.

Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo, khiếu nại của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai và đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với lĩnh vực này. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013. Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp trước, tiến hành chất vấn 04 Bộ trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và cũng trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm được cử tri cả nước quan tâm và dư luận đánh giá cao.

Trong điều kiện tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội ghi nhận cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong việc quản lý, điều hành đất nước và triển khai thực hiện các nội dung mà Quốc hội đã nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực hơn để thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước. Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ những chức vụ quan trọng nhất của nhà nước, các cấp được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn. Đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với các cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là quan trọng nhưng quan trọng hơn là làm cho Nghị quyết được tổ chức thực hiện tốt trong cuộc sống. Quốc hội yêu cầu các ngành các cấp, các đại biểu Quốc hội, Hội đông nhân dân nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm một cách chính xác đối với các chức danh được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Trước đó, trong phiên họp sáng 23/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn./.

Thanh Hà