Yên Bái có 2 huyện nằm trong diện huyện nghèo nhất nước, đó là Mù Cang Chải và Trạm Tấu, 2 huyện nghèo này đã và đang được sự quan tâm và đầu tư theo Nghị quyết 30a và Chính sách 167 của Chính phủ. Qua hơn 3 năm triển khai Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Hỗ trợ người nghèo về nhà ở, bước đầu đã thu được kết quả khả quan, các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo đã tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với y tế, giáo dục, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nhân dân nghèo vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thụ hưởng các dịch vụ công cộng, có nhà ở kiên cố
Thưa ông, ông có thể cho biết về những kết quả mà tỉnh Yên Bái đã đạt được sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ?
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a tại 2 huyện nghèo Mù Cang Chải và Trạm Tấu, đến nay tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 30a trên địa bàn 2 huyện đạt 1.120.802 triệu đồng, trong đó đầu tư cho Trạm Tấu 470.460,7 triệu đồng; huyện Mù Cang Chải là 650.341,3 triệu đồng.
Về hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân: tỉnh đã hỗ trợ cho 2 huyện mua: 1.300 con trâu cái sinh sản, 3.400 chuồng trại chăn nuôi, khai hoang 55ha đất sản xuất, hỗ trợ 185 người đi lao động xuất khẩu tại Libi, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Algieria.
Về chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho người dân: đã đào tạo được 148 cán bộ đi học trung cấp, đại học và các chuyên ngành Công an, Quân sự, Tư pháp, Nông lâm nghiệp tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học của TW. Tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo và dạy nghề cho trên 3.200 lao động nông thôn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho trên 2.500 lượt người các cán bộ, công chức cấp xã.
Về kết quả đầu tư cơ sở hạ tầng: Tỉnh đã hỗ trợ đầu tư XD 63 công trình, trong đó có 25 công trình thủy lợi, 21 công trình giao thông, 15 công trình cấp nước sinh hoạt, 2 công trình trung tâm dạy nghề. Tỉnh đang tiến hành xây dựng bệnh viện đa khoa tại trung tâm huyện Trạm Tấu và đã hoàn thành XD BV đa khoa huyện Mù Cang Chải.
Hiện 2 huyện đã xây dựng và triển khai quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và bố trí dân cư tại 24 xã, đang triển khai quy hoạch cấp huyện. Nhiều hộ gia đình được hỗ trợ đất sản xuất và hỗ trợ kinh phí bảo vệ, chăm sóc rừng.
Trước khi thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3 triệu đồng/người/năm, sản lượng lương thực bình quân chỉ đạt 300kg/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 50%, trong đó có nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%.
Với nguồn vốn được TW phân bổ hàng năm để thực hiện Chương trình 30a cho tỉnh Yên Bái, thu nhập bình quân đầu người huyện Mù Cang Chải đã đạt 7,2 triệu đồng/người/năm, sản lượng lương thực đầu người đạt 465kg/người/năm. Dự kiến đến hết năm 2012 số hộ thoát nghèo ước đạt 1.500 hộ. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Trạm Tấu đã đạt 5,8 triệu đồng/người/năm, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 680kg/người/năm, ước số hộ thoát nghèo đến hết năm 2012 sẽ đạt 660 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo 2 huyện giảm bình quân từ 6-8%/năm theo chuẩn nghèo của CP quy định. Tăng trưởng kinh tế bình quân trên 12%/năm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt về vật chất và tinh thần.
Cải thiện nhà ở cho các hộ nghèo vừa là mục tiêu để giảm nghèo, vừa là giải pháp quan trọng góp phần chống tái nghèo bền vững. Ông có thể đánh giá hiệu quả đạt được từ việc tổ chức thực hiện Chính sách 167 - hỗ trợ người nghèo về nhà ở của tỉnh?
Chủ trương xóa nhà dột nát, hỗ trợ người nghèo về nhà ở của Chính sách 167 của Chính phủ thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Hiệu quả của Chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, kịp thời động viên các hộ nghèo tự vươn lên để có nhà ở ổn định.
Kể từ năm 2009, tỉnh đã rà soát, tổng hợp nhu cầu hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, lập Đề án hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở. Tổng số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2009 - 2012 là 6.408 hộ. Tổng vốn đã huy động hỗ trợ làm nhà 3 cứng (cứng nền, cứng vách và cứng mái) cho hộ nghèo là 133,94 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách TW là 52,92 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh: 8,82 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội 51,34 tỷ đồng, vốn huy động từ nguồn khác 20,86 tỷ đồng. Đã thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 6.408 hộ nghèo. Nhà các hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ đều xây dựng vượt quy định về diện tích, chất lượng, kiến trúc phù hợp với phong tục tập quán địa phương.
Thưa ông, trong quá trình thực hiện Chương trình 30a và Chính sách 167 tại 2 huyện nghèo của Yên Bái, tỉnh đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc và tồn tại ra sao?
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là năng lực cán bộ làm công tác tuyên truyền kém; đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản còn yếu về công tác quản lý tài chính, yếu về năng lực xây dựng và quản lý các dự án đầu tư xây dựng, thiếu kỹ năng thực hành khi thực hiện Chương trình 30a và Chính sách 167, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Mặt khác, do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, nên nhận thức của phần đông người dân 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải vẫn mang nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Đối tượng trong diện hỗ trợ làm nhà đa số là người dân tộc thiểu số nên khâu lập hồ sơ, thanh quyết toán gặp rất nhiều khó khăn. Địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, dân cư 2 huyện sống không tập trung cũng là trở ngại lớn trong quá trình triển khai thực hiện các Chính sách.
Nguồn vốn đầu tư cho chương trình còn thấp so với nhu cầu, việc bố trí vốn cho các dự án còn hạn chế dẫn đến nhiều dự án còn chậm tiến độ cũng là một khó khăn lớn đối với tỉnh, với 2 huyện nghèo. Tổng kinh phí theo Đề án được phê duyệt là 7.132.838 triệu đồng, trong đó nguồn vốn cho Chương trình 30a là 5.048.858 triệu đồng, nhưng từ năm 2009 đến nay mới bố trí được 209.950 triệu đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của năm 2011 vẫn ở mức cao, huyện Trạm Tấu 77,3%, huyện Mù Cang Chải 80,4%. Đời sống của đồng bào 2 huyện vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo vẫn ở mức rất cao.
Được biết, Kiểm toán Nhà nước đang thực hiện kiểm toán hiệu quả đầu tư của Chương trình 30a và Chính sách 167 tại tỉnh Yên Bái. Ông có thể cho biết KTNN đã làm gì để giúp các cấp chính quyền của tỉnh điều hành, thực hiện tốt hơn các chương trình, chính sách, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân?
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận của chương trình 30A và chính sách 167 của Chính phủ tại 2 huyện nghèo của tỉnh Yên Bái, việc xác định tính đúng đắn, trung thực kết quả thực hiện cụ thể của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán nguồn kinh phí; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thực hiện các chính sách hỗ trợ, đối tượng hưởng thụ, chế độ quản lý tài chính... do Kiểm toán Nhà nước đảm trách, kết quả của kiểm toán còn cung cấp thông tin và giúp cho Quốc hội, Chính phủ các cấp chính quyền điều hành sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả, có những nhận định về chính sách, thực hiện tốt hơn các chương trình, chính sách, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Cuối tháng 10/2012, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại Yên Bái với nội dung: thực hiện kiểm toán nguồn kinh phí và việc quản lý điều hành, sử dụng, quyết toán kinh phí của Chương trình 30a, Quyết định 167. Mục tiêu của việc kiểm toán nhằm xác định tính đúng đắn, trung thực của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán nguồn kinh phí; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thực hiện các chính sách hỗ trợ, đối tượng hưởng thụ, chế độ quản lý tài chính, hiệu quả của chương trình, tính hợp lý cũng như các bất cập của chính sách... để cung cấp thông tin và giúp cho Chính phủ, Quốc hội, các cấp chính quyền điều hành thực hiện tốt hơn các chương trình, chính sách, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
KTNN còn tiến hành Kiểm toán công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện Chính sách và kết quả thực hiện các mục tiêu của Chính sách; phát phiếu phỏng vấn trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng Chính sách, phiếu phỏng vấn do KTNN tự xây dựng để đảm bảo việc đánh giá công tác triển khai chương trình 30A và Chính sách 167 có được thực hiện công khai dân chủ và đảm bảo hiệu quả đầu tư của Chính sách....
KTNN đã có mặt trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc 5 năm, ông đánh giá như thế nào về vai trò và vị trí của KTNN - vốn được coi như "Người gác cổng" để chống thất thoát, tham nhũng?
Tôi cho rằng, Kiểm toán Nhà nước là công cụ kiểm tra tài chính công quan trọng của Nhà nước; xác nhận tính đúng đắn, hợp lý của liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kế toán nhà nước. Với thực tiễn đang diễn, Kiểm toán Nhà nước có vai trò, vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Thông qua hoạt động kiểm toán, không chỉ phát hiện vi phạm chế độ quản lý kinh tế, tài chính kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn đã giúp các cấp quản lý kịp thời uốn nắn những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách sách tại các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách của nhà nước, ngăn chặn thất thoát, lãng phí, góp phần đảm bảo, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy trong hoạt động quản lý nhà nước.
Là địa phương được Kiểm toán nhà nước lựa chọn đặt trụ sở của KTNN Khu vực 7, tỉnh Yên Bái và KTNN đã ký Quy chế phối hợp công tác, theo đó, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc xây dựng và triển khai đầy đủ, nghiêm túc kế hoạch kiểm toán; thực hiện đầy đủ, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách theo kết luận, kiến nghị của KTNN, bảo đảm quản lý sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tiền và tài sản nhà nước.
Đồng hành cùng KTNN, lãnh đạo tỉnh Yên Bái luôn đánh giá cao kết quả hoạt động sau 5 thành lập của KTNN tại khu vực; vượt qua mọi khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ, KTNN đóng tại khu vực đã không ngừng lớn mạnh, từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực, tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với các nguồn lực từ ngân sách nhà nước; khẳng định vị trí, chức năng của KTNN khu vực giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng công tác kiểm toán, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái mong muốn KTNN Khu vực tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin, cộng tác để quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Đồng thời, tôi cũng mong muốn các tỉnh khu vực của chúng ta tăng cường phối hợp, hợp tác trong hoạt động kiểm toán và trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Vy thực hiện