Những rủi ro khi cơ quan Kiểm toán quốc gia không được quy định trong Hiến pháp

Tại hội thảo “Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam" vừa qua, Toà Thẩm kế Hà Lan đã gửi bài tham luận giới thiệu về Hiến pháp và quy định về Toà Thẩm kế trong Hiến pháp Hà Lan. Báo Kiểm toán xin trích giới thiệu.

...Hiến pháp là một bản tuyên ngôn chính trị về các quyền căn bản của một Nhà nước và công dân nước đó. Quyền căn bản của công dân có thể thực thi theo chiều ngang: các quyền này bảo vệ công dân trong mối quan hệ không những với Nhà nước mà còn với các công dân khác, ví dụ như bảo đảm cho họ quyền tự do biểu đạt ý kiến. Các quyền này mang tính bắt buộc thực hiện tại các tòa án dân sự. Các quyền căn bản thực thi theo chiều dọc không thể bắt buộc thực hiện thông qua tòa án. Chẳng hạn, một trong những quyền quan trọng này là nghĩa vụ của Chính phủ cung cấp các dịch vụ chăm sóc và xã hội vì lợi ích công dân. Hiến pháp cũng quy định ngắn gọn địa vị của các cơ quan Nhà nước chủ yếu và quan hệ giữa các cơ quan này, ví dụ như quyền hạn của ngành lập pháp trong kiểm soát ngành hành pháp, vai trò của ngành tư pháp, việc phân chia quyền hạn giữa chính quyền trung ương và địa phương gồm các tỉnh và thành phố. Quy định chi tiết thường do các nhà làm luật tiến hành.

Do Hiến pháp quy định thể chế của Nhà nước, quan hệ của Nhà nước với công dân Nhà nước đó - những vấn đề thể hiện sự liên tục và tính chắc chắn pháp lý, nên một bản Hiến pháp không thể được sửa đổi theo cách sửa đổi một luật thông thường. Phải có các quy trình đặc biệt nhằm ngăn chặn việc vội vàng sửa đổi Hiến pháp và cần phải có đa số ủng hộ trong Nghị viện lớn hơn mức đa số thông thường để sửa đổi Hiến pháp. Điều đó giúp Hiến pháp trở nên ổn định.   

Hiến pháp Hà Lan và những quy định về Toà Thẩm kế
Các cơ quan được nêu tên trong Hiến pháp là trụ cột của một Nhà nước ổn định. Nhìn chung các cơ quan này gồm Nghị viện, cơ quan Tư pháp, các Hội đồng tối cao của Nhà nước và cơ quan Kiểm toán. Quy định sự tồn tại của các cơ quan này trong Hiến pháp khiến chúng ổn định hơn. Địa vị của các cơ quan này cũng được tăng cường hơn khi quy định về sự độc lập của chúng được đưa vào Hiến pháp. Ví dụ, thành viên của các cơ quan này được bổ nhiệm suốt đời, tổ chức và quyền hạn của chúng chỉ có thể được thay đổi bởi Luật của Nghị viện.

Quy trình sửa đổi Hiến pháp ở Hà Lan bắt đầu bằng việc Nghị viện thông qua một đề án lập pháp. Đề án này không đề cập gì khác ngoài các nội dung về sửa đổi Hiến pháp. Nếu đề án được thông qua, Hạ nghị viện sẽ bị giải tán và các cuộc bầu cử được tổ chức để công dân cũng được có tiếng nói trong việc sửa đổi này. Nghị viện mới sau đó sẽ thảo luận đề án của Nghị viện cũ. Đề án phải được hai phần ba đại biểu đồng ý mới được thông qua.

Hiến pháp Hà Lan hiện nay quy định về Tòa Thẩm kế như sau: Chịu trách nhiệm kiểm tra các khoản thu và chi của Nhà nước và phê duyệt báo cáo tài chính của Nhà nước mỗi năm. Thành viên Tòa Thẩm kế được bổ nhiệm cả đời - nhằm đảm bảo tính độc lập của cơ quan này, và không thể bị bãi nhiệm nếu không có lý do hợp lý. Nghị viện ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm này qua việc đề cử với Chính phủ 3 thành viên cho mỗi vị trí trống. Chỉ Tòa án tối cao - tòa án cao nhất tại Hà Lan - mới được bãi nhiệm thành viên Tòa Thẩm kế và chỉ trong trường hợp được Luật của Nghị viện quy định. Thành viên Tòa Thẩm kế do vậy không thể bị Chính phủ bãi nhiệm. Việc phân giao nhiệm vụ bổ sung cho Tòa Thẩm kế chỉ được thực hiện theo Luật của Nghị viện. Điều này nhằm ngăn chặn việc các văn bản dưới luật phân giao nhiệm vụ bổ sung cho Tòa Thẩm kế. Quy định này cũng đồng nghĩa với việc Nghị viện không thể áp đặt nhiệm vụ cho Tòa Thẩm kế. Tòa thẩm kế tự quyết định có chấp thuận đề nghị của Quốc hội hay không.

Rủi ro khi cơ quan Kiểm toán quốc gia không được quy định trong Hiến pháp
Cơ quan Kiểm toán quốc gia thực hiện các cuộc kiểm toán và các cuộc kiểm toán hiếm khi nhận được sự chào đón của các đơn vị đang được kiểm toán. Nhưng hoạt động kiểm toán là thiết yếu để đảm bảo trách nhiệm giải trình thỏa đáng. Vì vậy, địa vị của một cơ quan Kiểm toán quốc gia cần phải được quy định rõ ràng, tương xứng với vai trò và chức năng, nhiệm vụ. Nếu một cơ quan Kiểm toán quốc gia không được đặt nền móng trong Hiến pháp, việc thay đổi nhiệm vụ chính, thỏa hiệp tính độc lập và các báo cáo của cơ quan Kiểm toán sẽ tương đối dễ dàng. Điều này có thể gây hậu quả không chỉ đối với các thành viên mà cả hoạt động của cơ quan Kiểm toán.

Tổ chức và quyền hạn của một cơ quan Kiểm toán có thể được quy định tại một luật thông thường. Nhưng sự tồn tại của một cơ quan Kiểm toán, nhiệm vụ chính và các đảm bảo cho sự độc lập của nó xứng đáng được quy định trong Hiến pháp. Đưa vào quy định trong Hiến pháp như vậy sẽ tạo cơ sở ổn định và chắc chắn cho một cơ quan Kiểm toán hiện đại..../.

Theo Báo Kiểm toán số 13/2012